Khiếu kiện dai dẳng ở Khu công nghệ cao TP.HCM: Thảm cảnh bể dâu

11/06/2018 08:15 GMT+7

Vụ việc khiếu kiện, tố cáo liên quan đến Khu công nghệ cao (KCNC) Q.9 vừa được UBND TP.HCM xếp vào một trong 12 “điểm nóng” khiếu kiện, tố cáo đông người ở TP.

Nhiều năm qua, người dân có đất và nhà liên quan dự án Khu công nghệ cao ở Q.9 (TP.HCM) đã khiếu nại nhiều nơi, rằng việc công bố quy hoạch có sai sót và không đầy đủ; bản đồ quy hoạch sử dụng đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đất thu hồi nằm ngoài ranh quy hoạch...
Vụ việc khiếu kiện, tố cáo liên quan đến Khu công nghệ cao (KCNC) Q.9 vừa được UBND TP.HCM xếp vào một trong 12 “điểm nóng” khiếu kiện, tố cáo đông người ở TP.
Sau khi bị cưỡng chế, ông Ngữ và con trai phải dựng lều tạm ngay khu đất bị cưỡng chế để ở Ảnh: Trung Hiếu chụp lại Ảnh tư liệu
Xóa sổ trang trại
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Ngữ (75 tuổi) phải “ngụ cư” gần 7 - 8 năm trời ở xóm trọ chật chội, nghèo nàn ở số 41 Tăng Nhơn Phú, P.Phước Long B (Q.9). Căn phòng của ông Ngữ hầu như chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc máy tính giúp ông soạn thảo văn bản và tầng tầng lớp lớp hồ sơ, tài liệu và báo chí viết trong 15 năm khiếu kiện.

Ông vẫn treo giữ tấm bản đồ quy hoạch KCNC Q.9 và phía bên dưới là dày đặc những tấm hình chụp trang trại của mình khi còn tươi đẹp, đến cảnh cưỡng chế và cuối cùng là vườn và nhà bị xóa sổ.
Năm 1997, ông mua hơn 3.600 m2 đất nhiễm phèn, hoang hóa, rồi cải tạo thành đất trồng cây và đất ở tại số 166/6 khu phố Mỹ Thành, P.Long Thạnh Mỹ (Q.9). Sau một thời gian sinh sống, ông Ngữ bắt đầu có kế hoạch vay mượn đầu tư lớn cho khu đất này, giá trị đầu tư theo ông là 754 lượng vàng (thời điểm này 1 lượng vàng khoảng 4 triệu đồng - PV) để cải tạo khu đất phèn sình lầy, hoang hóa thành một trang trại bề thế có khu nhà vườn sinh thái với nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế, nuôi các loại chim, thú (được phép và gắn chíp điện tử của cơ quan chức năng).
Dưới hồ nước nuôi rùa, ba ba, cá bống mú, cá chình... Ông còn dành ra 300 m2 trồng nhiều loại thuốc nam có giá trị; xây chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm sản phẩm từ vật nuôi, cây trồng mang lại hàng tỉ đồng.
Sau cưỡng chế, ông Kiêm được phân căn phòng rộng 23 m2 để ở và tiếp tục công cuộc khiếu kiện Ảnh: Trung Hiếu
“Trang trại bắt đầu cho thành quả thì điều không hay ập tới. Bằng chứng là thời điểm cưỡng chế, bản kiểm kê tài sản của tôi thuộc vào hàng dài và có nhiều hạng mục nhất ở KCNC”, ông Ngữ nói và cho biết năm 2003, UBND Q.9 kiểm kê, đến ngày 21.12.2005 ra Quyết định 3144 công bố giá trị bồi thường. Điều lạ là quyết định này căn cứ vào luật Đất đai năm 2003 nhưng lại áp dụng Nghị định 22/1998 đã hết hiệu lực pháp luật.
Do đó ông Ngữ chịu rất nhiều thiệt thòi, chỉ được nhận khoản bồi thường 1,1 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Chưa kể trong quá trình kiểm kê đất đai, vật kiến trúc, tổ đền bù giải tỏa Q.9 lập biên bản sơ sài, không số, không có dấu của cơ quan nhà nước. Trong khi ông Ngữ khiếu nại chưa được giải quyết thì hai ngày 20, 21.5.2009, UBND Q.9 huy động hơn 200 người cùng nhiều máy xúc, máy ủi đến cưỡng chế. Đoàn cưỡng chế đã nhổ sạch toàn bộ diện tích cây ăn trái trong giai đoạn thu hoạch và “thu gom” vật nuôi đi nơi khác.

Ông Ngữ kể tiếp: Sau lần cưỡng chế đó chừng 1 tuần, vì tin tưởng đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch KCNC, ông cùng gia đình trở về vườn dựng lại nhà để ở lại. Tuy nhiên, đến ngày 21.6.2011, UBND Q.9 lại huy động lực lượng đến cưỡng chế, san bằng. Đất đai, vườn tược, nhà cửa bị mất, ông Ngữ còn ôm món nợ hơn 3 tỉ vay khi đầu tư trang trại.
Đến nay ông Ngữ đã có gần 10 lần ra Hà Nội, có lần ở 2 - 3 tháng để khiếu nại, tố cáo với các cơ quan T.Ư là đất của mình không nằm trong quy hoạch nhưng bị cưỡng chế sai.
Gia đình li tán, vất vả kiếm sống
Ông Lê Văn Kiêm (65 tuổi) ở tổ 8, khu phố 3, P.Tăng Nhơn Phú B (Q.9) kể do từ thời ông nội gia đình ông đã lập nghiệp ở Q.9 nên anh chị em ông có quyền sử dụng tới hơn 27.000 m2 đất mặt tiền đường Bưng Ông Thoàn. Đây cũng là nguồn kế sinh nhai cho hơn 50 thành viên trong đại gia đình “tứ đại đồng đường”.
Cách đây gần 20 năm, ông Kiêm bắt đầu đào ao hơn 1 ha thả cá, xung quanh dựng lên hàng chục chòi để kinh doanh du lịch, câu cá. Việc làm ăn thuận lợi, thu hút khách nên doanh thu trung bình hằng ngày của gia đình là 20 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi người trong gia đình.

“Đùng một cái ngày 31.12.2009, UBND Q.9 ra quyết định công bố giá trị bồi thường. Tôi có 9.489 m2 đất mặt tiền đường Bưng Ông Thoàn được đền bù 225.000 đồng/m2, 8.352 m2 đất nông nghiệp đền bù 150.000 đồng/m2. Điều bất hợp lý là mảnh đất 29.000 m2 có hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.9 tính gộp thành một sổ khiến gần 9.000 m2 diện tích vượt quá không được hỗ trợ. Đây là khuất tất cần phải được làm rõ”, ông Kiêm nói và cho biết hơn 17.800 m2 đất mà ông có chỉ được tính đền bù hơn 4,8 tỉ đồng và thêm 116 triệu đồng hỗ trợ vật dụng kiến trúc.
Cho rằng đất của mình không nằm trong dự án nên gia đình ông Kiêm không chịu di dời và không nhận tiền bồi thường. Năm 2014, sau hai thông báo quyết định cưỡng chế, toàn bộ đất đai, vườn tược và nhà cửa của anh em ông Kiêm bị giải tỏa trắng.
Ông Nguyễn Xuân Ngữ trong căn phòng chứa đầy tài liệu khiếu kiện, tố cáo suốt 15 năm qua Ảnh: Trung Hiếu
“Sau khi bị cưỡng chế, đại gia đình 50 người cả già lẫn trẻ tứ tán khắp nơi. Gia đình tôi cũng được phân khu nhà trọ ở 41 Tăng Nhơn Phú. Mấy năm nay cả nhà 10 người ở trong phòng chật chội chỉ có 28 m2. Tôi thì ngày đi bán vé số, con thì có đứa đi phụ hồ kiếm tiền mưu sinh. Đất của tôi không nằm trong khu quy hoạch và không thể chấp nhận mức đền bù rẻ mạt như vậy”, ông Kiêm chua xót nói.
Tương tự, năm 1998 ông Hồ Thanh (58 tuổi) mua hơn 6.650 m2 đất ở số 15/340 Lê Văn Việt, khu phố 4, P.Tăng Nhơn Phú A (Q.9). Sau đó ông Thanh xây nhà và đầu tư 150 lượng vàng đào hai ao nuôi cá. Bị thu hồi đất, với lý do việc thu hồi thiếu tính pháp lý, không nhận được quyết định thu hồi và thu hồi khi không có bản đồ quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, ông Thanh cũng không chịu giao đất và bị cưỡng chế.
“Giá đất đền bù tại thời điểm đó chưa bằng 5% giá thị trường. Ở KCNC diện tích đất bị thu hồi lớn hơn nhiều so với dự án khu đô thị Thủ Thiêm và việc thu hồi đất của dân cũng nằm ngoài ranh KCNC”, ông Thanh nói và cho hay có những lúc hơn 50 người bị ảnh hưởng ra thuê một nhà rộng 40 m2 ở Hà Nội, chịu đựng “tối ngủ xếp lớp như cá mòi” mấy tháng trời để đi khiếu kiện, đòi quyền lợi cho mình.
Di dời 3.113 hộ dân
KCNC TP tiền thân là Khu công nghiệp công nghệ cao, được thành lập theo Quyết định số 145/2002 ngày 24.10.2002 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18.4.2007, Thủ tướng ban hành Quyết định 457 phê duyệt quy hoạch tổng thể KCNC, với tổng diện tích 913 ha, trong đó có 112 ha đất công (giao thông, kênh rạch...) và 801 ha đất phải kiểm kê, thu hồi từ cá nhân, hộ dân và đơn vị trải qua trên 5 phường: Tân Phú, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ. Theo báo cáo số 05 ngày 3.3.2016 của UBND Q.9, để thu hồi đất trong ranh 913 ha đã phải di dời 3.113 hộ dân. Ngoài ra có thêm 479 hộ dân trong 149 ha đất ngoài ranh để xây dựng khu tái định cư cho số dân bị thu hồi đất trong ranh.
Hiện nay khiếu nại quyết liệt nhất là nhóm 41 hộ thuộc các phường Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ... Các hộ dân này cho rằng việc thu hồi có nhiều khuất tất khi không có văn bản pháp lý xác định đất người dân bị thu hồi nằm trong dự án; không có quyết định thu hồi đất gửi cho từng hộ dân; không có bản đồ để xác định đất người dân nằm trong khu quy hoạch; không có phương án tái định cư, bồi thường...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.