Xe

Khiếu kiện kiểu 'khủng bố' cán bộ tiếp công dân

01/02/2016 07:20 GMT+7

Không chỉ lăng mạ, chửi bới cán bộ mà một số trường hợp còn giấu dao trong người chém trọng thương cán bộ tiếp công dân.

Không chỉ lăng mạ, chửi bới cán bộ mà một số trường hợp còn giấu dao trong người chém trọng thương cán bộ tiếp công dân.

Bà Trần Thị Thu Hiền đang được cấp cứu tại bệnh viện - Ảnh: Hoàng AnhBà Trần Thị Thu Hiền đang được cấp cứu tại bệnh viện - Ảnh: Hoàng Anh
Liên tục xảy ra
Ngày 31.1, Công an Q.Hà Đông, TP.Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ để điều tra vụ một cán bộ tiếp công dân T.Ư bị người khiếu kiện chém trọng thương ngay tại trụ sở tiếp công dân T.Ư (ở P.Quang Trung, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội).
Trước đó, khoảng 10 giờ 15 ngày 28.1, bà Phạm Thị Thuận (59 tuổi ở H.Như Thanh, Thanh Hóa) đến trụ sở tiếp công dân T.Ư để khiếu kiện. Tại đây, bà Thuận có biểu hiện bức xúc, chửi bới, la hét rồi đi sang Phòng Đăng ký đầu vào xin nước uống rồi bất ngờ rút dao giấu trong người chém vào mặt bà Trần Thị Thu Hiền (cán bộ Phòng Tiếp dân 1) bị thương nặng, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 103 với vết thương trên mặt dài khoảng 12 cm gây mất rất nhiều máu.
Được biết, bà Thuận là người đã khiếu kiện nhiều năm nay và có tiền sự về chém người, từng dùng dao chém 1 công an và cán bộ UBND xã ở địa phương.
Theo báo cáo của Ban Tiếp dân T.Ư, tình hình khiếu kiện của công dân trong dịp cận Tết Nguyên đán có nhiều diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại Trụ sở Tiếp công dân T.Ư (Hà Nội). Công dân khiếu kiện đã tập trung tại nhiều khu vực có nhà của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trụ sở các cơ quan T.Ư và thường xuyên căng băng rôn khẩu hiệu, mặc áo đồng phục gây sự chú ý của người đi đường. Trụ sở Tiếp công dân T.Ư đã phối hợp với các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động được 425 lượt công dân khiếu kiện của một số địa phương về Trụ sở Tiếp công dân T.Ư để tiếp, hướng dẫn theo quy định pháp luật.
Ngoài vụ việc nêu trên thì trước đó ngày 12.1, công dân Hồ Thị Niên đặt bàn thờ thắp hương trước cổng Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, khi được cán bộ dân phòng P.Quang Trung nhắc nhở, người này không những không chấp hành mà còn lăng mạ, tấn công làm cán bộ bị thương.
Ngày 18.1, một số công dân quá khích của tỉnh Bình Định đã có hành vi túm áo, ôm chân, lôi kéo cán bộ trong khuôn viên Trụ sở Tiếp công dân T.Ư, kích động các công dân khác la hét, căng băng rôn, khẩu hiệu gây mất an ninh trật tự. Lực lượng chức năng đã đưa 3 công dân vi phạm về trụ sở Công an P.Quang Trung để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Ngay sau đó, 30 công dân của nhiều địa phương đã tập trung trước cổng trụ sở công an đòi thả người.
Chưa hết, ngày 21.1, ông Nguyễn Xuân Thái của tỉnh Nam Định đã có hành vi la hét, mang theo chai xăng 500 ml với ý định tự thiêu trong sân Trụ sở Tiếp công dân T.Ư. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, tịch thu chai xăng và nhắc nhở, cảnh cáo về hành vi trên của công dân.
Các địa phương cần làm tốt công tác tiếp công dân
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư (thuộc Thanh tra Chính phủ), cho biết vụ việc người khiếu nại rút dao chém cán bộ tiếp công dân T.Ư khiến nhiều cán bộ bị sốc và làm việc trong trạng thái rất căng thẳng.
“Tại trụ sở tiếp công dân, chúng tôi có lực lượng bảo vệ thường trực nhưng đây là cơ quan hành chính nên chỉ ngăn chặn hành vi gây rối, còn việc người khiếu kiện mang theo hung khí rồi ra tay bột phát thì rất khó mà kiểm soát”, ông Điệp lo ngại.
Theo ông Điệp, tình hình khiếu kiện phức tạp có nhiều nguyên nhân, trong đó có một bộ phận người khiếu kiện bị một số kẻ xấu lợi dụng kích động lôi kéo họ để phục vụ cho những động cơ chính trị. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân, các cơ quan chức năng ở địa phương giải quyết không đến nơi đến chốn, đùn đẩy lên trên.
“Từ nhiều tháng nay, cán bộ tiếp công dân chúng tôi làm việc xuyên trưa, đến 9, 10 giờ đêm là chuyện bình thường. Ngoài giải quyết tại trụ sở, chúng tôi còn phải cử các cán bộ ra tại nơi công dân tụ tập để vận động, giải thích các quy định pháp luật về khiếu nại. Đó cũng là cách kéo người dân về phía mình không để kẻ xấu lợi dụng”, ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần phải làm tốt công tác tiếp dân, tập trung giải quyết các trường hợp khiếu kiện kéo dài, giảm tải ở T.Ư đồng thời giải tỏa những bức xúc tích tụ của người dân.
Theo báo cáo của Ban Tiếp công dân T.Ư, từ ngày 11 đến hết ngày 28.1, Trụ sở Tiếp công dân T.Ư (tại Hà Nội và TP.HCM) đã tiếp 1.585 lượt công dân đến trình bày 436 vụ việc, trong đó: khiếu nại 299 việc, tố cáo 76 việc, kiến nghị và phản ánh 61 việc.
Ban Tiếp công dân T.Ư đã xử lý được 341 đơn, trong đó: 319 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 93,5%; 22 đơn không đủ điều kiện, chiếm 6,5%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.