Khó bảo vệ cổ vật trong di tích

24/05/2020 06:52 GMT+7

Người già phải ngủ canh cổ vật trong di tích vắng người, trong khi thiết bị giám sát còn thiếu... đang khiến việc bảo vệ cổ vật trong các di tích gặp nhiều khó khăn.

Thời kỳ khó khăn

Liên tiếp trong vài tháng qua, tại các di tích ở H.Thanh Oai (Hà Nội) xảy ra các vụ trộm. Trong đó, ngày 13.3, trộm đột nhập chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, H.Thanh Oai) lấy mất pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen.
Quan trọng nhất là phải tuyên truyền người dân và xử nặng vào. Chứ nói kiểu bát hương vài trăm nghìn xử hành chính thôi thì rồi sẽ lại bị ăn cắp tiếp
TS Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích
Ngày 16.3, đình Đại Định (thôn Đại Định, xã Tam Hưng) mất 2 bộ chấp kích gồm 16 chiếc, 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng và 1 bình sứ cổ. Ngày 29.3, chùa Dư Dự (xã Thanh Thủy, H.Thanh Oai) bị trộm 1 chuông đồng, 2 bát hương. Ngày 11.4, chùa Từ Châu (xã Liên Châu, H.Thanh Oai) mất trộm 1 chuông đồng. “Trộm liên tục như thế này là có tổ chức, có chủ định rất rõ”, một cán bộ quản lý di sản khẳng định. Còn theo PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: “Thời gian tới, nguy cơ mất trộm cổ vật tại di tích có thể tăng nếu kinh tế chưa phục hồi”.
Trong khi đó, tại các di tích hiện nay, việc trông nom vẫn đang dựa vào các cụ từ, những nhà tu hành. Ở các đình làng, người cao tuổi là “bộ đội chủ lực” trông giữ. Họ ngủ tại di tích để bảo vệ an ninh, trong đó có nhiệm vụ trông cổ vật. “Ở các đình, ngủ canh là phòng xa thôi, chứ trộm rắp tâm vào thì cũng khó bảo vệ. Ở chùa cũng vậy, chùa vắng lại rộng, rất khó quản lý”, ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, nói.
TS Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích, cho biết việc giữ cổ vật tại di tích hiện thực sự rất khó. Các cụ trông giữ có nhiều cách nhưng kẻ gian cũng có nhiều mưu. “Có những cổ vật không phải trưng bày, mà các cụ có két giữ cất vào đấy. Ai muốn xem phải có thủ tục, giấy tờ, phải có trưởng ban hộ tự, hoặc trưởng ban quản lý di tích đồng ý. Muốn xem ấn triện hay sắc phong thì phải mở két. Nhưng không phải cái gì cũng cất được, chẳng hạn như bát hương”, ông Khánh nói. Chưa kể, cũng theo ông Khánh, “nhốt cổ vật” trong hòm thì chính người dân cũng không thể tiếp cận để chiêm bái vẻ đẹp của di sản ấy.

Tăng biện pháp an ninh, tăng hình phạt

Ông Trương Minh Tiến cho rằng nên lắp camera an ninh tại tất cả các di tích. Mới đây, khi chùa Bối Khê bị mất trộm, nhà chùa mới triển khai việc này. “Thực ra chẳng đáng bao nhiêu cả, nên lắp camera và các hiện vật có giá trị có thể gắn chip. Nếu kẻ gian lấy trộm thì cũng phải dè chừng với các biện pháp an ninh này. Biết có camera thì trộm cũng đỡ lộng hành”, ông Tiến nói.
Ông Đặng Văn Bài cũng cho biết, thời kỳ ông làm Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) cũng đã có nhiều di tích áp dụng gắn chip vào hiện vật. Ông Bài kể lại: “Lúc đó, chúng tôi triển khai lắp chip vào tượng ở chùa Bút Tháp. Lúc trộm vào định bê tượng đi thì tượng “kêu” ầm ĩ. Trộm sợ quá nhảy ra, vứt lại tượng. Nhưng hôm đó cũng không bắt được trộm. Theo tôi, nên kết hợp với Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an để lắp chip”.
Ông Bài cũng nhấn mạnh việc cần tăng cường an ninh bảo vệ các di tích: “Chỉ có hai phương pháp. Công an ở xã phải có biện pháp, trách nhiệm và điều đó rất quan trọng. Thứ nữa, ở chùa, nhà sư phải tăng chấp pháp và dựa vào cộng đồng”.
Những bức tượng được “buộc hờ” tại một di tích Ảnh: Quốc Khánh

Những bức tượng được “buộc hờ” tại một di tích

Ảnh: Quốc Khánh

“Vẫn nên duy trì việc để các cụ ngủ canh di tích, để cảnh báo với trộm, có còn hơn không có người trông”, ông Trương Minh Tiến nêu ý kiến. Tuy nhiên, ông Tiến lưu ý, các đội dân phòng cần hỗ trợ cho di tích. “Bây giờ ở khu dân cư đều có dân phòng. Nên yêu cầu dân phòng đêm đi tuần tra phải qua các di tích vài lần. Phải để mắt đến di tích. Mình phối hợp nhiều biện pháp sẽ tốt hơn. Ngoài ra, cần phát động phong trào nhân dân tham gia bảo vệ di tích. Được phổ biến thì ngay cả những người đi chơi tối cũng sẽ để ý chuyện đó. Dùng biện pháp tổng hợp sẽ tốt hơn”, ông Tiến nói.
Việc đăng ký cổ vật cũng sẽ giúp truy dấu hiện vật dễ dàng hơn khi chẳng may bị mất, thậm chí có thể giúp đòi lại hiện vật nếu bị chuyển ra nước ngoài. PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết: “Việc đăng ký cổ vật thực ra đã được nhiều di tích làm từ lâu, nhưng không rõ đến giờ đã làm hết hay chưa. Khi bị mất, người ta báo cho công an đi tìm với đầy đủ các thông số của cổ vật, hồ sơ mô tả hình ảnh”.
Trong khi đó, theo TS Quốc Khánh: “Quan trọng nhất là phải tuyên truyền người dân và xử nặng vào. Chứ nói kiểu bát hương vài trăm nghìn xử hành chính thôi thì rồi sẽ lại bị ăn cắp tiếp. Có thể quy về độc bản, nghĩa là không thể định giá bằng kinh tế được. Chỉ trông vào luật Di sản thì khó, cần phải có cả chế tài luật Hình sự”.
Về việc xử lý hình sự các vụ trộm cắp cổ vật, ông Bài cho biết đây là chuyện còn hiếm gặp. “Những vụ mất cổ vật cần đề nghị ngành công an tìm cho ra, xử cho nghiêm để răn đe. Cái dở là chúng ta ít bắt được trộm cắp cổ vật. Triệt để nhất là bắt được trùm và đường dây. Bắt được chính thức thì cần xử công khai để răn đe”, ông Bài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.