Khó bắt buôn lậu vì địa hình quá bằng phẳng ?

24/09/2019 14:10 GMT+7

Đồng ruộng tiếp nối đồng ruộng, nước, lúa, bờ be thấp lè tè bằng phẳng, khiến nạn buôn lậu thuốc lá qua khu vực biên giới xã Mỹ Quý Tây (Đức Hòa, Long An) chưa bao giờ hạ nhiệt.

Buôn lậu ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn

Theo chân đoàn khảo sát tình hình buôn lậu thuốc lá của Bộ Công thương tại khu vực biên giới ở xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An vào cuối tuần qua, nhiều ý kiến cho biết, với địa thế đồng không mông quạnh, lực lượng biên phòng khá khó khăn “mật phục” để truy bắt đối tượng “cõng” thuốc lá lậu từ Campuchia về Việt Nam. Báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ngay tại cột mốc biên giới 183, đại tá Phan Văn Phúc - Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Long An nói, tình hình buôn lậu thuốc lá qua biên giới tuyến đường Long An có giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, hành tung của các đối tượng chủ mưu ngày càng tinh vi, thay đổi thời gian, địa điểm tập kết và liều lĩnh hơn.

Theo đại diện Đồn biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, địa bàn giáp ranh tỉnh Campuchia tình hình buôn lậu thuốc lá phức tạp do nhiều "ngách" do người dân tự mở lối đi gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong chống buôn lậu

Ng.Nga

Người dân hai bên biên giới hằng ngày qua lại làm ruộng, chăn thả trâu bò tại khu vực biên giới

Ng.Nga

Đường biên giới giáp ranh giữa huyện Đức Huệ (Long An) với quận ChanT'ria, tỉnh Svay Rieng (Campuchia) dài hơn 25 km, trong đó, riêng Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây quản lý đến 14 km, 3 vị trí trạm kiểm soát và nhiều lối mở “tự phát” do người dân hai bên qua lại sản xuất, canh tác, chăn thả gia súc. Hằng ngày, trên con đường mòn xuyên qua hai quốc gia này, người dân hai bên vẫn chạy xe, đi bộ qua lại trên đường làng này.
Phụ trách địa bàn trọng điểm về buôn lậu qua biên giới (2 xã Mỹ Quý Đông và Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ), trung tá Lê Trọng Tình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây cho biết, cái khó nhất trong đoạn biên giới do Đồn quản lý là có rất nhiều lối đi tắt hình thành theo đường bờ ruộng do phong tục sản xuất, chăn nuôi thuộc tập quán của người dân Việt Nam và Campuchia từ nhiều đời. Trâu bò phía Campuchia thả sang ăn cỏ phía Việt Nam và ngược lại. Nếu đi tắt thì chỉ qua một cách đồng là tới, nhưng đi đúng lối trạm Biên phòng kiểm soát, phải đi vòng 3 - 7 cây số. "Người dân thả trâu bò hằng ngày, trời nắng nóng, khó buộc họ phải đi đường vòng 5 - 7 cây số đúng cửa khẩu. Tuy nhiên, các lối mở này chính là điểm nhiều kẻ lợi dụng để “thồ” thuốc lá lậu"- trung tá Lê Trọng Tình cho biết.

Lãnh đạo Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Long An, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An... khảo sát tại cột mốc 183 (tỉnh Long An)

Ng.Nga

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thị sát tại cột mốc 183 cũng thừa nhận, địa hình đồng lúa mênh mông thế này, việc chống buôn lậu thuốc lá tại khu vực này cực kỳ khó khăn. Đưa tay chỉ cánh đồng trước mặt phía Campuchia, ông Linh nói: “Đa số toàn đi vào ban đêm, đối tượng thuộc địa hình, băng đồng mà thồ hàng. Họ có thể phát hiện, đánh động cho nhau qua điện thoại khi thấy lực lượng chức năng tuần tra, theo dõi, mật phục từ phía Việt Nam”.

Túm cả đường dây nhưng không bắt được đối tượng buôn lậu ?

Ông Phạm Đức Chinh - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tỉnh Long An thông tin, số vụ bắt giữ, xử lý về buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá ngoại, đường cát nhập lậu trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh từ năm 2016, tuy nhiên, số vụ khởi tố hình sự lại tăng. Cụ thể, năm 2016 tỉnh đã bắt giữ buôn lậu thuốc lá ngoại 2.246 vụ, tịch thu hơn 2,5 triệu bao thuốc lá. Năm 2018 còn 1.161 vụ và tịch thu gần 2 triệu bao và trong 9 tháng của năm nay, chỉ bắt giữ 799 vụ, thu giữ gần 900 gói thuốc. Tuy nhiên, số vụ buôn lậu thuốc lá bị khởi tố hình sự lại tăng mạnh. Riêng buôn lậu thuốc lá, 9 tháng của năm nay đã khởi tố đến 27/35 vụ. Trước đó, năm 2018 khởi tố 55/62 vụ, năm 2016 chỉ khởi tố được 13/34 vụ.

Đoàn công tác của Bộ Công thương làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An 

Ng.Nga

 

Cột mốc 183 phân định ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia tại khu vực biên giới xã Mỹ Quý Tây

Ng.Nga

Theo quy định của bộ luật Hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá ngoại nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên bị truy tố trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên theo ông Chinh, lực lượng chức năng đã bắt rất nhiều vụ có số trên 1.500 bao thuốc nhưng không bắt được đối tượng vi phạm nên không thể khởi tố vụ án. Thế nên hết thời hạn điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ khiến số vụ án bị tạm đình chỉ tăng cao.
Hàng hóa nhập lậu thường được các đối tượng thuê người dân địa phương mang, vác hoặc sử dụng xe gắn máy 2 bánh vận chuyển qua biên giới, sau đó được đưa lên các ô tô (xe tải, xe ô tô loại 4 chỗ, 7 chỗ) chở thẳng vào các tỉnh nội địa tiêu thụ. "Đối tượng buôn lậu lợi dụng nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới, cho người bám sát các lực lượng chống buôn lậu, hoạt động chủ yếu vào ban đêm trong khoảng 21 giờ đến 3 giờ sáng hôm sau. Đặc biệt, một số đối tượng vận chuyển hàng lậu thường sử dụng ma túy đá khi điều khiển phương tiện, manh động và chống đối, bất tuân, liều lĩnh để tẩu tán tang vật, gây khó khăn cho lực lượng chức năng"- ông Chinh nói. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm Đồn biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây

Ng.Nga

Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tỉnh Long Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương nói thẳng, đã nắm được các đường dây buôn lậu vận chuyển thuốc lớn rồi, nhưng khi bắt lại không tìm được đối tượng tội phạm là vấn đề cần xem lại. Nhìn nhận khó khăn trong công tác chống buôn lậu bởi địa hình khó phân định, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh với tỉnh Long An, cho dù đời sống người dân khó khăn đến thế nào, cũng không thể vì vậy mà du di cho họ đi buôn lậu, lơ cho họ “cõng” thuốc lá lậu để kiếm sống. Bởi đó không phải là cách đảm bảo kế sinh nhai cho người dân.
Ông nói: “Để hàng lậu, hàng gian lận thương mại tung hoành, ảnh hưởng ghê gớm đến sản xuất nội địa, đến nền kinh tế nước nhà, không chỉ đơn thuần là câu chuyện kế sinh nhai của người dân. Thế nên, địa phương phải phối hợp nhịp nhàng từ biên phòng, hải quan, cảnh sát kinh tế, ban chỉ đạo 389… để công cuộc chống buôn lậu phải thực sự quyết liệt hơn, thường xuyên hơn. Sắp tới, Việt Nam ký hiệp định thương mại biên giới với Campuchia nữa, việc kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhưng làm sao phải thúc đẩy thương mại biên giới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.