Kho báu trong lăng Thoại Ngọc Hầu: Bộ đồ trà quý vua ban

25/03/2017 07:03 GMT+7

Trong kho báu tùy táng ở lăng Thoại Ngọc Hầu, bên cạnh các loại hình di vật mang tính chất cung đình như các cổ vật chất liệu quý kim, phẩm phục và nhiều vật dụng khác, đáng chú ý còn có một bộ đồ uống trà mà phần miệng chén được bịt vàng.

Bộ đồ trà này có đề hiệu chữ Nhật, chỉ có bên phần kho báu tùy táng mộ ông, không có bên phần đồ tùy táng của bà, gồm có 1 đĩa (khay - bàn) và 3 chén uống trà (chén tốt), thuộc loại hình gốm VN đặt làm tại Trung Hoa (các nhà nghiên cứu gọi là đồ sứ ký kiểu); họa tiết trang trí là cảnh Vương Chất vào núi Thạch Thất đốn củi gặp hai ông tiên đang đánh cờ trên nền cảnh sơn thủy rất nên thơ. Qua giám định, các nhà khoa học không tìm thấy các dấu vết sử dụng bộ đồ trà này, cho thấy Thoại Ngọc Hầu rất nâng niu và trân trọng bộ đồ trà, coi đó là vật báu chỉ để ngắm.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, bộ đồ trà sứ ký kiểu thời Nguyễn gồm 4 món: tống, tốt, dầm, bàn. Trong đó, tống (còn gọi là chén tướng) là chiếc chén lớn dùng để chứa nước trà rót ra từ ấm, đợi lắng cặn mới chuyên sang chén tốt (còn gọi là chén quân), là các chén nhỏ để uống trà. Dầm là chiếc đĩa lót của chén tống. Bàn là chiếc đĩa có chức năng như khay nhỏ, dùng để chứa các chén tốt. Uống trà theo lối cung đình Huế xưa thường chỉ có 3 người (trà tam, tửu tứ), nên bộ đồ trà cung đình Huế chỉ có 3 chén tốt, khác với lối uống trà miền Bắc có đến 4 chén tốt dành cho 4 người.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết từ giữa đến cuối thời Minh Mạng, đồ sứ ký kiểu ngự dụng do các lò gốm sứ cao cấp Cảnh Đức Trấn (Trung Hoa) chế tạo, ghi hiệu Minh Mạng niên chế, chữ Nhật, chữ Thọ có phẩm chất tuyệt hảo.
Cũng theo nghiên cứu này, hiệu đề trên đồ sứ triều Minh Mạng bao gồm các loại: hiệu đề đế hiệu như Minh Mạng niên chế, Minh Mạng niên tạo; hiệu đề niên đại như Tân Tị niên chế (1821), Canh Thìn niên chế (1820), Giáp Thân niên chế (1824), Ất Dậu niên chế (1825), Canh Dần niên chế (1830)...; hiệu lò như Quan diêu nội tạo; Đào ngọc chế thụ, Nhược thâm trân tàng... Đặc biệt, từ thời Minh Mạng, đồ sứ ký kiểu thường có hiệu đề chữ Nhật (日). Chữ Nhật là biểu tượng cho đế hiệu của các vua nhà Nguyễn, là vương huy của vương triều Nguyễn, nên được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức cho viết lên những món đồ sứ ngự dụng ký kiểu bên Trung Hoa. Sử liệu thời Nguyễn cho thấy chữ Nhật là một đặc trưng ngữ nghĩa gắn liền với vua. Chữ Nhật tiếp tục được các vị vua kế nghiệp là Thiệu Trị, Tự Đức và sau này là Khải Định sử dụng làm tín hiệu biểu thị vương quyền tuyệt đối.
Căn cứ vào niên đại nhóm di vật tùy táng của Thoại Ngọc Hầu có niên đại muộn nhất là năm 1829 - năm mất của Thoại Ngọc Hầu, xác nhận đây đích thực là đồ trà ngự dụng của vua Minh Mạng ban cho ông.
Thoại Ngọc Hầu đã từng được vua Minh Mạng tin yêu, gửi gắm niềm mong đợi của quốc gia khi nhiều lần ông đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc: Án thủ Châu Đốc, Kiêm quản Hà Tiên trấn, Bảo hộ Cao Miên (Campuchia), điều này đã từng được ghi nhận qua bản chỉ dụ ngày 1.7.1822 của vua Minh Mạng khuyên răn Thoại Ngọc Hầu không nên từ chức khi ông mâu thuẫn với vua Cao Miên: “Chính như ngươi, Nguyễn Văn Thoại, từ trước đã từng quen thuộc và hiểu rành về tình hình phong tục của nhân dân, cùng sự gần xa, khó dễ của sông núi tại các nước Xiêm, Miên, Lào. Vì vậy mới ủy cho ấn vụ bảo hộ nước Cao Miên, lo liệu sắp đặt việc ngoài biên, từ lâu đến nay thật là xứng đáng với chức vụ... Nay đặc biệt ban cho ngươi một tấm mãng đoạn (hàng có thêu hình rồng, hình tôm) màu nâu, hai tấm tất chi (hàng dệt bằng lông) màu hồng và màu lam cho mỗi thứ, dùng ban thưởng công lao đặc biệt. Ngươi nên vâng lãnh mà vẫn giữ y chức cũ để xứng với lòng tha thiết của Trẫm đã biết chọn”.
Như vậy, với việc phát hiện đồ sứ ngự dụng của vua Minh Mạng ban cho Thoại Ngọc Hầu tìm thấy bên phần kho tùy táng của ông, xác nhận những gì sử liệu thời Nguyễn đã ghi chép về sự “tận trung báo quốc” của Thoại Ngọc Hầu, về mối quan hệ vua tôi giữa Thoại Ngọc Hầu và Minh Mạng, qua đó góp phần làm sáng tỏ thêm cuộc đời, sự nghiệp và những công lao của ông bà Thoại Ngọc Hầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.