Thẻ bài là một loại biển hiệu nhỏ dùng để đeo với mục đích cho người xem nhận biết thân phận của người hoặc vật sử dụng nó. Có khi chỉ dùng trong việc nhận dạng nhưng cũng có những thẻ bài mang uy quyền có thể sai khiến người khác.
Thấy được tầm quan trọng của thẻ bài, triều Nguyễn đã cho làm nhiều loại thẻ bài bằng nhiều chất liệu khác nhau như ngà, sừng, vàng, bạc, đồng… để dùng với nhiều tên gọi trong nhiều mục đích như tín bài, bài đeo, thẻ bài thưởng công, đeo cho cây thông do hoàng tộc và triều đình trồng ở đàn Nam Giao, đeo cho thú trong vườn thượng uyển. Như vậy có 2 loại thẻ bài dưới thời Nguyễn: bài dùng cho người và bài dùng cho vật.
Với bài dùng cho người, năm 1830 tín bài đã được triều đình nghị bàn tầm quan trọng và được Minh Mạng chuẩn y như sau: “Đặt ra tín bài là để làm tin với binh lính... tín bài bằng ngà ban cấp cho Gia Định, Bắc Thành mỗi nơi đều 10 chiếc... phòng khi dùng đến; đợi khi gặp có công việc khẩn cấp, quan trọng như việc quân, việc bắt giặc mới cho lấy ra dùng, để hiệu lệnh ở trong quân, không cho dùng bừa bãi. Còn như thu giữ tín bài ấy, thì người giữ không được niêm phong, người niêm phong thì không được giữ...” (Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 10, tr.260).
Về chất liệu thẻ bài dùng cho người thì được làm bằng ngà như tín bài nói trên hoặc bài đeo thì làm bằng vàng như thẻ bài bằng vàng của thị vệ đại thần ở ngự tiền hành dinh, của chưởng phủ, của đô thống, thống chế, đề đốc...; thẻ bài bằng vàng tía của phó vệ úy, hiệp quản...; thẻ bài bằng bạc của thị vệ, suất đội... Cũng có thẻ bài thưởng công bằng bạc, mặt có in chữ “Thưởng công” ban cấp cho quân thứ...
Có tầm quan trọng như vậy nên nếu thẻ bài bị mất thì tùy theo tính chất, người giữ hoặc người được cấp và kẻ lấy cắp đều bị tội: Năm 1829 Phan Văn Đức cai đội đội Tam vệ hữu doanh Hổ Oai lấy trộm 1 tấm bài vàng của vệ úy, so sánh chiếu theo luật “lấy trộm ấn tín” xử tội trảm giam hậu (bị kết án chém đầu nhưng còn giam lại chờ lệnh). (Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 12, tr.29).
“Tuyên phong sứ giả”
Trở lại hai tấm thẻ bài của ông bà Thoại Ngọc Hầu, đó là 2 chiếc thẻ có hình thức và kích thước tương tự nhau: dài 11,8 cm, ngang 9 cm, một chiếc nằm trong khối di vật của Thoại Ngọc Hầu và một chiếc nằm trong khối di vật của phu nhân Châu Thị Vĩnh Tế. Trong 2 chiếc thì chiếc của ông Thoại Ngọc Hầu chỉ bị gỉ ten xanh che lấp và mẻ mất một miếng nhỏ phía góc trên bên phải, hầu như vẫn nguyên hình dáng, còn chiếc của bà Châu Thị Vĩnh Tế đã bị mẻ mất một mảng khá lớn thuộc đoạn giữa phía bên trái (xem hình). Tuy nhiên, vì 2 chiếc là một cặp nên có thể đối chiếu phục nguyên những phần đã mất.
Về hình dáng, thẻ bài là một miếng đồng lá mỏng có bề dày 0,2 cm, cấu tạo bởi 2 phần: phần trên hình đám mây vòng cung hơi nhọn rộng 3 cm có diềm gợn sóng ôm lấy phần dưới, trong vòng cung dập chạm 1 hàng 4 chữ Hán nổi đọc từ phải qua trái: Tuyên phong sứ giả, có một lỗ nhỏ được khoan chính giữa ở dưới diềm để xỏ dây đeo, phần dưới có hình mặt tròn hơi oval, chạy quanh chu vi là vành hoa văn rộng 0,7 cm khắc chữ công, giữa mặt tròn khắc nổi một chữ Hán lớn: Thưởng.
Ý nghĩa của 4 chữ “Tuyên phong sứ giả” cho thấy đây là người đại diện vua (nghĩa của từ sứ giả), còn 2 chữ Tuyên phong nghĩa là ban bố lệnh vua ở ngoài bờ cõi. Toàn bộ 4 chữ Tuyên phong sứ giả có nghĩa là: “Người thay mặt vua ban bố vương lệnh ngoài biên”. Ý nghĩa này rất phù hợp với vai trò của Thoại Ngọc Hầu và phu nhân vì ông hầu như chuyên làm công tác ngoài biên giới, là khâm sai thay mặt vua ban bố vương mệnh.
Xét về thời gian và đối chiếu với tư liệu thời Nguyễn, khả năng 2 chiếc thẻ bài này được tặng cho vợ chồng ông Thoại Ngọc Hầu (tên thật là Nguyễn Văn Thoại) vào giai đoạn Nguyễn Ánh chưa làm vua là hợp lý hơn cả. Khoảng thời gian đó là từ năm 1792 đến 1800 trước khi Nguyễn Văn Thoại bị giáng làm Cai đội. Tiểu truyện Nguyễn Văn Thoại trong Đại Nam liệt truyện đã ghi lại 4 lần ông được thưởng, dù rằng tài liệu không ghi cụ thể về tấm thẻ bài, nhưng có lẽ trong những phần thưởng đó có lệnh bài Tuyên phong sứ giả.
Có thể đây là thẻ bài được sử dụng vào thời Nguyễn Ánh còn đang chiến đấu chống Tây Sơn. Thời gian đó, Nguyễn Ánh phải dùng lệnh bài bằng đồng và đã sai vợ chồng Nguyễn Văn Thoại làm một công việc nào đó, có thể là việc ngoại giao ở Xiêm La, Campuchia hoặc Lào... và điểm đặc biệt là cả bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng được thưởng thẻ bài, chứng tỏ vai trò của bà cũng rất quan trọng.
Bình luận (0)