Kho đạn pháo quyết định ưu thế xung đột Nga - Ukraine

15/12/2022 15:01 GMT+7

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine được cho là đang biến thành trận đấu pháo, và bên nào sản xuất được nhiều đạn pháo hơn sẽ giành ưu thế.

Vỏ đạn pháo và rốc két của Nga sử dụng được lực lượng Ukraine thu gom tại Kharkiv

Reuters

Nga đang phải sử dụng các loại đạn có tuổi thọ nửa thế kỷ, thậm chí có lẽ phải tháo rời các đồ điện tử để lấy con chíp dùng để sản xuất xe tăng và vũ khí dẫn đường chính xác.

Trong khi đó, Ukraine đang dựa vào nguồn vũ khí và đạn dược của Mỹ và đồng minh NATO, nhưng nguồn cung này đang giảm sút sau gần 10 tháng chiến sự. Theo NBC ngày 14.12, quân đội cả hai nước đang bắn hàng ngàn quả đạn pháo mỗi ngày và gặp thách thức trong việc tìm nguồn bổ sung.

Kho đạn pháo quyết định ưu thế xung đột Nga - Ukraine

Nga đẩy mạnh sản xuất

Một số quan chức Mỹ gần đây cho biết Nga đang sử dụng đạn dược có tuổi đời 40-50 năm, gồm đạn pháo 152 mm. Sau gần 10 tháng, Nga đã bào mòn kho vũ khí mà nước này đã mất đến hơn 10 năm để tích trữ.

Hiện chưa rõ Nga còn bao nhiêu quả đạn nhưng các quan chức tình báo cấp cao của Mỹ đánh giá rằng lực lượng Nga đang sử dụng nhiều hơn mức có thể sản xuất. Giới chuyên gia quân sự đưa ra những dự đoán mâu thuẫn về năng lực duy trì nguồn cung đạn dược của Nga.

Giàn phòng rốc két đa nòng Grad của Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine

Bộ Quốc phòng nga

Nhà nghiên cứu về quân đội Nga Paul Schwartz tại Trung tâm Phân tích hải quân (Mỹ) cho biết các nhà máy của Nga đang tăng cường sản xuất nhưng sẽ khó để sản xuất đủ lượng đạn đang được sử dụng trên chiến trường. Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh Tony Radakin cho rằng Nga đang “cực kỳ thiếu” đạn pháo nên có thể sẽ giảm nhanh hiệu quả của các chiến dịch trên bộ ở Ukraine.

Nga phải mang đạn 40 năm tuổi ra bắn ở Ukraine

Tháng trước, các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng Nga đang sử dụng 20.000 quả đạn mỗi ngày trong khi Ukraine sử dụng khoảng 4.000 - 7.000 quả mỗi ngày.

Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo M777 tại Donetsk ngày 23.11

Reuters

Ukraine phụ thuộc viện trợ

Khi chiến sự bùng phát, Ukraine ở trong vị thế khó khăn về nguồn cung đạn pháo. Từ năm 2014 - 2018, 6 vụ nổ xảy ra tại nước này phá hủy hơn 210.000 tấn đạn, gồm đạn pháo 152 mm và rốc két, theo Viện các Quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh RUSI (Anh).

Ukraine có thể sản xuất đạn pháo cho các loại lựu pháo thời Liên Xô nhưng các cuộc tấn công của Nga và lưới điện và cơ sở hạ tầng đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp quốc phòng của Kyiv. Do đó, Ukraine phụ thuộc vào nguồn đạn thời Liên Xô của các nước Đông Âu và đạn pháo của NATO cung cấp.

Nga sử dụng tên lửa do Ukraine sản xuất để tấn công Ukraine

Việc phải liên tục viện trợ trong gần 10 tháng qua đã khiến kho đạn của các nước NATO suy giảm. Ngành công nghiệp quốc phòng được kêu gọi tăng cường sản xuất nhưng cần thời gian để đẩy năng suất lên mức đủ phục vụ cho nhu cầu thời chiến.

Binh sĩ Ukraine vác đạn vào pháo tự hành 2S1 Gvozdika gần Bakhmut, Donetsk ngày 10.12

AFP

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất dự luật chi tiêu 37,7 tỉ USD cho Ukraine và đang chờ quốc hội thông qua. Các quan chức cho rằng gói hỗ trợ này cùng với sự hỗ trợ của châu Âu sẽ đáp ứng nhu cầu của Ukraine trong 6 - 9 tháng tới.

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl gần đây thừa nhận việc chuyển vũ khí và đạn dược cho Ukraine đã gây áp lực lên kho vũ khí của Mỹ và đồng minh. Lầu Năm Góc gần đây cũng chỉ thị thực hiện cuộc đánh giá liệu quân đội có sẵn sàng cho nhiều cuộc xung đột cùng lúc.

Nhà nghiên cứu chính sách cấp cao Dara Massicot tại tổ chức Rand Corporation (Mỹ) cho rằng xung đột Nga - Ukraine đã biến thành cuộc chiến của sự chịu đựng. Việc các bên ủng hộ Ukraine có thể duy trì sự ủng hộ trong bao lâu và năng suất của ngành công nghiệp quốc phòng Nga là những yếu tố có thể quyết định ưu thế của xung đột.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.