Khó đóng cửa mầm non không phép

07/03/2014 03:00 GMT+7

Hiện có gần 5.600 nhóm lớp mầm non không phép trên cả nước. Nhiều phụ huynh buộc phải gửi con vào các nhóm lớp không đảm bảo chất lượng trong khi các cơ quan quản lý lại nói rất khó đóng cửa các cơ sở này.

Hiện có gần 5.600 nhóm lớp mầm non không phép trên cả nước. Nhiều phụ huynh buộc phải gửi con vào các nhóm lớp không đảm bảo chất lượng trong khi các cơ quan quản lý lại nói rất khó đóng cửa các cơ sở này.

Khó đóng cửa mầm non không phép

Không phải người lao động nào cũng có điều kiện gửi con vào các trường mầm non tư thục đủ điều kiện như thế này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sáng 6.3, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp quản lý nhóm lớp mầm non tư thục.

Khó hơn... đập nhà xây không phép

 

Chỉ 34,4% phụ huynh quan tâm đến chất lượng chăm sóc trẻ

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết khảo sát tại 5 tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất đã cho ra những con số sau: 36,7% nữ công nhân cho biết gửi con ở những cơ sở tư thục; 72% gửi con vì gần nơi ở; 41% nêu lý do vì giờ giấc đưa đón linh hoạt; chỉ 34,4% phụ huynh quan tâm đến chất lượng chăm sóc, trong đó 32% quan tâm đến chất lượng giáo viên... Còn đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin: khảo sát của tổng liên đoàn tại 10 tỉnh thành thì chỉ có 19,6% khu công nghiệp có tổ chức nhà trẻ tiếp nhận con em của người lao động. Hơn 60% người dân phải gửi con ở cơ sở tư nhân kể cả có phép hay không phép.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhận định có khó khăn, bất cập trong công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là ở các nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép.

Nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) của những người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị ở một số tỉnh/thành phố, nơi có tình trạng tăng dân số cơ học cao là rất lớn. Hằng năm trường mầm non công lập, kể cả tư thục tuy tăng về số lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con ở độ tuổi nhà trẻ. Vì thế các nhóm lớp tự phát vẫn còn tồn tại.

Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành, đến tháng 2 năm nay, có 5.590 nhóm lớp mầm non chưa được cấp phép. Chẳng hạn Hải Phòng có tới 60,47% nhóm lớp tư thục chưa được cấp phép.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Phó chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, cho biết có 38 cơ sở mầm non tư thục hoạt động ở gần những khu công nghiệp nhưng chỉ có 13 cơ sở được cấp phép. Đó là chưa kể những nhóm lớp quy mô nhỏ với vài cháu/lớp còn tồn tại rất nhiều mà không chịu sự giám sát, quản lý nào cả. “Biết là như vậy nhưng do nhu cầu quá bức thiết của người dân nên chúng tôi dù không thể cấp phép nhưng cũng không thể cấm họ hoạt động được. Trong khi đó, cả trường mầm non công lập và tư thục đảm bảo điều kiện chỉ đáp ứng được 24% nhu cầu gửi con (trong độ tuổi nhà trẻ) của người dân”, bà Hà cho biết.

Bà Phan Thanh Hảo, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, cũng chia sẻ khó khăn giống như lãnh đạo UBND thị xã Từ Sơn và ví von: “Đình chỉ một nhóm lớp không phép vô cùng khó, khó hơn việc đập đi một cái nhà xây không phép nhiều”. Bà Hảo phân tích: “Những nhóm lớp này đáp ứng mọi nhu cầu gửi trẻ của dân, đón trẻ rất sớm, trả trẻ rất muộn theo giờ làm việc ca kíp của người dân, trong khi trường công lập lại chưa làm được điều này”.

Trước thực tế này, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho hay: “Hiện nay ủy ban đang thành lập các đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non và cho thấy còn khoảng cách lớn giữa nhu cầu và thực tiễn. Ngay như ở Hà Nội, dù đã rất nỗ lực nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được 29,4% số nhà trẻ vào công lập”. Thực tế này buộc bà Minh đặt vấn đề: “Với 70% còn lại các mẹ sẽ phải gửi con đi đâu để yên tâm đi làm sau 6 tháng thai sản. Nếu đóng cửa tất cả các nhóm lớp không phép thì trẻ dưới 36 tháng tuổi sẽ được gửi ở đâu?”.

Cần có chính sách với trẻ học trường tư

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị phải có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho trẻ học ở mầm non tư thục như với trẻ học ở cơ sở công lập, để đảm bảo quyền trẻ em của trẻ ở cơ sở tư thục như hiện nay.

Bà Ngô Thị Minh chỉ ra thực tế rằng trẻ mầm non công lập ở Hà Nội được nhà nước hỗ trợ 3,4 triệu đồng/năm trong khi đó trẻ ngoài công lập lại không được hưởng gì từ ngân sách của nhà nước. Điều này quá thiệt thòi cho những người dân là lao động phổ thông, lương đã thấp lại phải đóng học phí cao. Bà Phan Thanh Hảo cho rằng vấn đề là phải có cơ chế rõ ràng. Do chưa có cơ chế nên dù có tiền cũng không phải đã hỗ trợ được trẻ em ở những nhóm lớp này.

Đưa ra những đề xuất cụ thể, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nêu quan điểm: “Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non không thể đồng nhất với các trường phổ thông như hiện nay. Tôi đề nghị phải miễn thuế cho các cơ sở mầm non 10 năm đầu hoạt động chứ không phải 5 năm như hiện nay; tạo điều kiện cao nhất để các nhóm lớp được đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên...”. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, thông tin hội đang chờ Chính phủ ký phê duyệt đề án Hỗ trợ nhóm trẻ mầm non tư thục. Đề án này sẽ tác động trực tiếp vào nhóm lớp chưa được cấp phép và những nhóm lớp có quy mô dưới 10 trẻ.

Tuệ Nguyễn

>> Công bố tên cơ sở mầm non chưa đủ tiêu chuẩn
>> Nhọc nhằn cho trẻ đi học mầm non
>> Phụ huynh góp phần gây nên 'thảm họa mầm non
>> Rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập  

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.