Mùa mưa năm trước kết thúc sớm, lượng nước hồ chứa bắt đầu cạn, báo hiệu khô hạn đe dọa những vườn cà phê bạt ngàn và nhiều cây trồng khác ở Đắk Lắk.
Người dân ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) nạo vét giếng lấy nước tưới cà phê - Ảnh: Trung Chuyên
|
Nguy cơ thiếu nước
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 737 công trình thủy lợi, với 1.782 km kênh mương, phục vụ tưới cho hơn 30.000 ha lúa đông xuân, gần 50.000 ha lúa mùa, 133.000 ha cà phê và khoảng 18.000 ha cây trồng khác.
Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, đánh giá số lượng công trình thủy lợi trên mới đáp ứng 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới, do đó thiếu nước tưới vào mùa khô trên địa bàn tỉnh hàng năm là không tránh khỏi, đặc biệt càng khô hạn nghiêm trọng vào những năm có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm hoặc mùa mưa kết thúc sớm…
“Đầu vụ đông xuân 2014 - 2015 này, mực nước các sông suối trên địa bàn Đắk Lắk thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,6 - 0,8 m, lượng dòng chảy thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 - 65%. Cuối vụ khả năng nhiều suối vừa và nhỏ sẽ bị cạn kiệt, nguồn nước phục vụ sản xuất, chống hạn sẽ rất khó khăn”, ông Chung nhận định.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn T.Ư, tình trạng khô hạn sớm của khu vực nam trung bộ (trong đó có Tây nguyên) do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Hiện tượng này khiến trong năm qua nhiệt độ tăng so với trung bình nhiều năm từ 1,2 - 1,5oC, lượng mưa thiếu hụt so với cùng kỳ nhiều năm từ 25 - 50%, dòng chảy các sông suối giảm nhanh khi mùa mưa kết thúc...
Huy động hồ thủy điện chống hạn
Ngay đầu năm nay, ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã cảnh báo khả năng xảy ra khô hạn trên diện rộng, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống hạn hán. Mặc dù được xem là vùng chuyên canh cà phê lớn của cả nước nhưng ở Đắk Lắk, sản xuất lúa vụ đông xuân cũng quan trọng vì góp phần ổn định an ninh lương thực, nhất là những địa bàn vùng sâu, khó khăn. Do đó, chống hạn cho lúa cũng là một ưu tiên của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, diện tích lúa đông xuân cả tỉnh gieo cấy hiện đạt tới 34.250 ha, so với khả năng cung cấp nước tưới từ các công trình thủy lợi chỉ khoảng 30.000 ha thì có trên 4.000 ha sẽ thiếu nước. Trong khi đó, nguồn nước mặt chỉ đủ tưới khoảng 60% trên tổng diện tích cà phê 210.000 ha; nguồn nước ngầm lại suy giảm nhanh, nhất là ở những địa bàn mất nhiều rừng.
Hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh người dân tiến hành đào mới hoặc nạo vét giếng cũ lấy thêm nước chống hạn.
Cùng với việc cảnh báo sớm, Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk đã triển khai các biện pháp phòng chống hạn từ đầu năm nay; trong đó phối hợp với UBND cấp huyện thành lập các tiểu ban phòng chống hạn để theo dõi, quản lý, cân đối nguồn nước tưới, hướng dẫn sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả… Ông Phạm Tiến San cho rằng vấn đề khá đau đầu của ngành thủy lợi là số lượng hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh tuy nhiều nhưng phần lớn là công trình nhỏ, dung tích chứa ít, lại bị bồi lắng qua nhiều năm, khả năng phục vụ tưới hạn chế.
“Bên cạnh các biện pháp khác, chúng tôi đang đề xuất kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện để cung cấp nước cho vùng hạ du trong thời kỳ khô hạn. Đối với các hồ chứa thủy điện có dung tích trữ thấp thì đề nghị không phát điện theo thị trường cạnh tranh, ưu tiên phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp”, ông San cho biết.
Bình luận (0)