Kho hết chỗ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất nguy cơ dừng hoạt động

08/09/2021 09:24 GMT+7

Hàng tồn kho cả trong lẫn ngoài nhà máy đã chất đầy, khiến lọc dầu Dung Quất phải lần đầu tiên trong lịch sử "ép" công suất chạy máy về mức chỉ 80% và đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động.

"Nếu phía nam kéo dài giãn cách sang tháng 10, thì nhà máy chắc phải dừng thôi. Đây đã lần thứ 2 nhà máy phải giảm công suất trong hơn 1 tháng qua, mà việc chạy chỉ 80% công suất như bây giờ là lần đầu tiên trong lịch sử đấy”, lãnh đạo Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết.

“Vượt kế hoạch” hàng tồn kho

Từ chỗ đang đang chạy 100-105% công suất, đến đầu tháng 8.2021, nhà máy lọc dầu Dung Quất (Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn - BSR) đã phải giảm công suất về 90%. Lý do bởi thị trường chính của doanh nghiệp là phía nam có tới gần 20 địa phương bước vào giãn cách theo Chỉ thị 16 khiến tiêu thụ xăng dầu sụt giảm quá nhanh và mạnh.
Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí (Công ty mẹ của BSR) tại cuộc họp với Bộ Công thương cho hay, tại thời điểm ngày 3.8, khi nhà máy hạ công suất, BSR đang tồn kho 200.000 m3 xăng dầu thành phẩm và 400.000 m3 dầu thô. Lúc đó, BSR phải mang đi gửi kho ngoài nhà máy 25.000m3 và lên kế hoạch trong tháng 8 sẽ gửi tiếp ít nhất khoảng 100.000-120.000m3.
Thế nhưng, chia sẻ với Thanh Niên cuối tuần rồi, lãnh đạo BSR cho biết các chỉ số hàng tồn kho đã "vượt kế hoạch" gấp đôi so với thời điểm 1 tháng trước. “Giờ tồn ở kho ở nhà máy và gửi ngoài đã trên 400.000m3, trong đó tồn ở nhà máy là 230.000m3, gửi ngoài là 180.000m3”, vị này nói, đồng thời cho biết sau một thời gian ngắn hạ công suất về 90%, thì nhà máy đã phải tiếp tục “ép” công suất xuống 80% - lần đầu tiên trong lịch sử nhà máy.
“Dù sản lượng sản xuất trong tháng 8 chỉ còn 500.000m3, trong khi bình thường mỗi tháng chúng tôi bán ra 600.000m3, nhưng trong tháng 8 chỉ tiêu thụ được 300.000m3, tức là giảm 50%”, vị lãnh đạo này cho biết, song cho rằng mức đó đã là tốt vì tính toán hồi đầu tháng 8 thì sản lượng bán ra chỉ đạt khoảng 40-45%. Nguyên nhân là nhờ đến giữa tháng 8, Bộ Công thương đã ban hành chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối ưu tiên tiêu dùng sản phẩm trong nước, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng đã sản xuất được trong nội địa.
Theo đó, phần sản lượng tăng thêm ngoài dự kiến này là nhờ vào việc 3 ông lớn gồm Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Dầu Việt Nam PV Oil và Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cùng chia sẻ khó khăn trong những đơn hàng vừa được thực hiện cuối tháng.

Nhà máy lọc dầu phải… đi bán dầu thô

Không chỉ hết chỗ chứa hàng thành phẩm, mà ngay cả nguyên liệu đầu vào chính cho nhà máy là dầu thô giờ cũng không còn chỗ chứa. Trước tình cảnh đó, mới đây nhất, bất chấp chi phí vận tải tăng cao khi mua hàng, nhà máy đã phải “bấm bụng” bán đi 1 triệu thùng dầu thô vì hết chỗ trữ hàng. Chưa dừng lại ở đó, nhà máy tiếp tục lên kế hoạch sẽ bán thêm 1 triệu thùng nữa trong thời gian tới.
"Chúng tôi mong tháng 9 này dịch sẽ giảm, giãn cách sẽ được nới dần. Nếu được thế thì 3 tháng cuối năm may ra bán hết hàng tồn kho. Còn nếu tháng 10 mà vẫn như thế này thì phải tính đóng cửa nhà máy, dù chúng tôi đã cân nhắc, báo cáo cấp trên là nếu đóng cửa thì sẽ phải thiệt hại 1.000 tỉ đồng mỗi tháng nếu so với phương án chạy máy”, đại diện BSR chia sẻ.

Toàn cảnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ảnh BSR.COM

Theo quyết định của Thủ tướng năm 2005, ở giai đoạn hình thức tự đầu tư, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng mức đầu tư hơn 2,5 tỉ USD. Và sau khi hoàn thành công tác xây dựng và chạy thử nhà máy, quyết định của Thủ tướng năm 2009 phê duyệt tổng mức đầu tư là 3,053 tỉ USD. Lãnh đạo BSR lo ngại, tình hình hiện nay kéo gần gần như chắc chắn kế hoạch và phương án mở rộng giai đoạn 2 của nhà máy sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, có thể phải chia nhỏ thêm ra các giai đoạn để phân kỳ đầu tư.
Cần nhấn mạnh rằng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi sản xuất của ngành dầu khí Việt Nam. Giới thiệu trên trang web của mình, Công ty BSR cho biết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất Công có suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày. Sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng thì công suất nâng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 192.000 thùng/ngày.
Gần như tất cả lượng khai thác của mỏ dầu Bạch Hổ là để cung cấp cho nhà máy. Trong khi đó, đầu ra của BSR ngoài các loại xăng, dầu còn có khí LNG, hạt nhựa… "Chúng tôi ở giữa chuỗi sản xuất. Vì vậy nếu dừng nhà máy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả hạ nguồn lẫn thượng nguồn của ngành dầu khí. Cho nên bây giờ chúng tôi gần như nín thở chờ tin nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để sản xuất an toàn”, ông chia sẻ, cùng lúc cho chúng tôi xem link bài báo về việc Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói “Quận 7 và huyện Củ Chi là 2 mũi đột phá thí điểm bình thường mới” sau ngày 15.9, với rất nhiều sự khấp khởi, hy vọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.