Khó khăn, chán nản là đi về nhà: Liệu có giải quyết được vấn đề?

07/01/2021 18:27 GMT+7

Những lúc khó khăn chán nản hay mệt mỏi trong công việc và cuộc sống, các bạn trẻ có nhiều phương án khác nhau để xử lý thay vì… đi về nhà.

Nhà là chỗ dựa tinh thần

Nhiều ngày liền Huỳnh Trần Bảo Hương, 19 tuổi, thành viên ban đối ngoại nhóm Project Sugar, TP.HCM, bị căng thẳng vì các bảng kế hoạch công việc đến bài tập trên lớp. Những lúc như thế Bảo Hương chỉ thích đi dạo ngoài đường hơn là đi về nhà, ngồi trong căn phòng của mình vì sẽ dễ bị ngột ngạt.

Bảo Hương nói: “Trước hết phải biết mình đang gặp vấn đề gì thì mới giải quyết được. Còn đi về nhà chỉ là tìm chỗ dựa tinh thần, chưa hẳn sẽ giúp mình giải quyết được vấn đề. Ngoài ra, mình rất sợ "lây" những phiền muộn cho các thành viên trong gia đình khi đi về nhà".

Đồng quan điểm với Bảo Hương, anh Lê Quốc Trung, 27 tuổi, làm tổ chức sự kiện tại số 60 đường Hòa Bình, P5, Q.11, TP.HCM, cũng ít hay về nhà khi gặp mệt mỏi hay chán nản trong cuộc việc, cuộc sống.

Anh Trung chia sẻ những lúc mệt mỏi, chán nản thì tâm trạng chung ai cũng muốn có điểm tựa, sự quan tâm nên nhiều người muốn về nhà. "Lúc trước mình cũng hay tâm sự với ba mẹ khi công việc của mình gặp khó khăn, nhưng mỗi lần như thế họ lại lo nhiều hơn. Do phụ huynh của mình sống dưới quê nên cũng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ khuyên vài câu rồi buồn theo, khi ấy làm mình thương và xót hơn thôi", anh Trung nói:

Anh Trung tâm sự: “Mình quan niệm nếu không mang lại tiếng cười thì hạn chế mang lại sự buồn bực cho người đối diện, vì vậy không riêng gì gia đình, mà những lúc buồn hay chán nản mình thường ở một mình”.

“Những lúc một mình sẽ có nhiều thời gian xem xét, chiêm nghiệm mọi việc”, anh Trung chia sẻ.
Trong khi đó, Ngô Trần Thúy An, 21 tuổi, đoàn viên tại H.Bình Chánh, TP.HCM, cũng phải thừa nhận nhà là nơi về khi ta vui, ta buồn nhưng đôi khi Thúy An cũng chọn những cách giải quyết khác như đi ăn uống với bạn bè, hoặc đi đâu đó mỗi lúc cảm thấy chán nản.

Thúy An bộc bạch: “Nếu đang có việc gì khó chịu mình sẽ đi vòng vòng ngoài đường trước khi về nhà để tránh trút sự khó chịu đó lên người khác. Còn nếu đó là sự mệt mỏi, mình sẽ về nhà và nghỉ ngơi, nghe nhạc hoặc đọc sách cho thư giãn”.

Chính bản thân mình là điểm tựa

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty phát triển giá trị sống, TP.HCM, cho hay sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và dường như mọi điểm tựa đều mất. Càng cố đương đầu với khó khăn thì chúng ta lại càng muốn co vào một góc nào đó. Và có lẽ nhà sẽ là nơi trú ngụ bình yên nhất. Thế nhưng nhà chỉ là nơi để chúng ta tạm lánh áp lực của cuộc đời chứ không thể là nơi để ta đối mặt một cách mạnh mẽ. Bởi sóng gió luôn tồn tại và trốn chạy chỉ đơn giản là giải quyết phần ngọn. Việc cần làm là tìm ra gốc rễ các vấn đề mình đang gặp phải. Nguyên nhân từ đâu? Có thể thay đổi được không? Thay đổi như thế nào?...

Bà Nguyễn Khánh Chi nói: “Chúng ta cần biết mình là ai, đang đi tìm điều gì cho bản thân, biết nhận dạng các khó khăn, biết chấp nhận tính quy luật và đối diện trong tâm thế bản lĩnh. Chúng ta thay vì chọn về nhà thì hãy chọn chính bản thân mình là điểm tựa. Bởi khi ấy, dù ở bất kỳ nơi đâu ta vẫn thấy nhà luôn hiện diện trong trái tim mình”.

Mỗi người cần mạnh dạn gỡ bỏ cái phao bình yên để dũng cảm đứng lên đi tiếp...

Ảnh: Tấn Đạt (ảnh minh họa)

Vị chuyên gia giáo dục này còn chia sẻ: “Dẫu biết nhà là nơi để về nhưng nếu chỉ khi mệt mới về thì vô tình ta đang trút khổ đau lên nhà. Ở nhà có gia đình, có cha mẹ, có anh chị em, có vợ chồng con cái... Họ luôn là phần không thể thiếu tại những khoảnh khắc của hành trình vạn dặm. Nhưng không vì thế mà chúng ta mãi níu chân để buộc họ trở thành điểm tựa bền lâu. Sự dựa dẫm sẽ kéo giữ khiến bước đi không thể rời xa. Nó khiến chúng ta chìm đắm trong cái phao an toàn tự tại. Vậy nên mỗi người cần mạnh dạn gỡ bỏ cái phao bình yên để dũng cảm đứng lên đạp sóng xô bờ. Có như thế chúng ta mới biến nhà là nơi để đem về niềm an vui hạnh phúc”.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.