Ngóng lũ
Những ngày qua, tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai (TP.Cần Thơ), nước lũ vào ruộng chỉ mới ngập hơn mắt cá chân, không thể thau chua rửa phèn khiến nhiều nông dân rất lo lắng. Tình hình trên buộc ngành nông nghiệp các địa phương phải khuyến cáo nông dân nên tuân thủ đúng lịch thời vụ, đừng vội thấy nước lũ nhỏ xuống giống sớm sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là quản lý rầy nâu, năng suất không cao... Ông Trần Văn Khôn (ở xã Tân Thạnh, H.Thới Lai) cho biết: “Hơn 1 tháng nay, khi thu hoạch xong vụ lúa thu đông tôi cho máy xới vào làm đất nhưng đợi mãi không có nước nên ruộng mọc nhiều cỏ dại. Năm nay nước lũ xem ra còn ít hơn năm rồi nên tôi nóng lòng xuống giống để thu hoạch trước tết nhưng khi ngành nông nghiệp khuyến cáo tôi đành phải đợi”. Gia đình ông Khôn sống dựa vào canh tác lúa, vào mùa lũ thì đi đánh bắt thủy sản, trồng nấm rơm, hái rau tăng thu nhập. Tuy nhiên năm nay không có rơm để chất nấm, thủy sản và rau đồng cũng khan hiếm. Chính vì lẽ đó mà ông Khôn càng thêm nóng ruột mong có nước xuống giống sớm để có lúa lo cho gia đình.
Còn tại An Giang, theo kế hoạch vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 sẽ xuống giống 183.000 ha, tăng hơn 16.000 ha so với vụ ĐX năm rồi. Lịch xuống giống được chia thành 3 đợt, đợt đầu từ ngày 15 - 20.10, đợt 2 từ ngày 1 - 31.11 và đợt 3 từ ngày 1 - 25.12. Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh An Giang, cho biết hiện những nông dân có ruộng nằm ngoài đê bao ở các huyện đầu nguồn như Tri Tôn, An Phú, TX.Tân Châu… do thấy nước lũ không nhiều nên muốn xuống giống sớm hơn 1 tháng so với lịch thời vụ, nhưng ngành chức năng đã khuyến cáo cần tuân thủ đúng lịch thời vụ để tránh dịch bệnh, sâu rầy. “Vụ đông xuân là vụ lúa trúng nhất trong năm, do đó chọn thời điểm thích hợp xuống giống được xem là phương pháp tốt nhất để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất”, ông An nói.
Nỗi lo lớn
Đã 2 năm liên tiếp ĐBSCL không có lũ. Năm nay tuy đã vào giữa mùa lũ nhưng ở các huyện đầu nguồn của An Giang, Đồng Tháp và TP.Cần Thơ nước vẫn chưa về nhiều. Mực nước cao nhất nhất đo được ở các trạm thủy văn Tân Châu, Hồng Ngự, Tràm Chim, Trường Xuân so với cùng kỳ những năm trước còn thấp hơn từ 1 - 2 m. Nhiều người dân sống trong “rốn” lũ cho biết năm nào lũ về nhiều nguồn thủy sản sẽ dồi dào, bà con tha hồ giăng câu, thả lưới, kéo vó. Còn năm nào lũ nhỏ thì sản vật thiên nhiên giảm đi, cá tôm ít, bà con thất thu. Nhưng mất mùa tôm, cá chưa đáng lo bằng việc không có lũ sẽ ảnh hưởng lớn đến vụ lúa đông xuân. Vì nông dân sẽ tốn thêm các khoản chi phí, nhất là phân bón và thuốc BVTV. Theo ông An, nhiều năm không lũ khiến chi phí tăng thêm. Riêng vụ đông xuân năm nay, chi phí dự báo sẽ tăng khoảng 5 - 10%, như thêm phần cày xới đất, công lao động, diệt ốc, chuột, rầy nâu và lượng phân bón cho đồng ruộng… “Lũ lớn gây thiệt hại, khó khăn cho bà con nhưng lũ nhỏ cũng có thiệt hại của nó vì cá tôm không lên ruộng thì lấy gì đánh bắt, thả nuôi… Còn người làm lúa cũng sẽ khó khăn, bởi họ không rửa được ruộng sau những vụ còn tồn dư lượng phân, thuốc và mầm bệnh. Ngoài ra, việc không có phù sa bồi đắp cho đồng ruộng cũng là một thiệt thòi lớn”, ông An nói.
Nỗi lo lũ nhỏ cũng đang diễn ra tại Đồng Tháp khi những vùng đất cao nước không ngập đồng, buộc nhiều nông dân phải tự bơm nước vào để cày xới, trục đất xuống giống sớm. Việc làm này khiến cho các cánh đồng như tấm “da beo” khó quản lý dịch hại, nhất là dễ bùng phát rầy nâu vào đợt xuống giống đồng loạt. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp, cho biết vụ đông xuân tới đây toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 205.000 ha, chia thành 3 đợt xuống giống vào tháng 10, 11 và 12. Năm nay Đồng Tháp mở rộng diện tích cánh đồng lớn hay cánh đồng liên kết nhằm giảm chi phí đến mức thấp nhất do không có lũ mang phù sa về. Nếu bà con nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo thì đầu vụ không lo sâu rầy nhưng vẫn còn lo vào cuối vụ xuất hiện chuột, rầy cánh trắng tấn công và thiếu nước bơm tưới.
Bình luận (0)