Khó kiểm soát khoai mì nhiễm bệnh

14/11/2018 12:13 GMT+7

Bất chấp lệnh nghiêm cấm của cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh, khoai mì nhiễm bệnh khảm lá vẫn đang được mua bán tràn lan, khó kiểm soát.

Mặc dù các đơn vị chức năng tỉnh Tây Ninh đã nghiêm cấm hành vi mua bán, trao đổi các giống khoai mì (sắn) bị nhiễm bệnh khảm lá để hạn chế dịch bệnh lan truyền nhưng thực tế khoai mì nhiễm bệnh vẫn đang được mua bán tràn lan, khó kiểm soát.
98% diện tích bị nhiễm bệnh
Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV - Bộ NN-PTNT), cho biết tính đến tháng 10.2018, dịch bệnh khảm lá mì đã lan rộng và gây hại tại 12 tỉnh, thành trong cả nước với tổng diện tích nhiễm bệnh là 41.981 ha. Trong đó, nặng nhất là tại Tây Ninh với 35.000 ha, chiếm gần 98% diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh. Kế đến gồm các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước và Phú Yên.
Theo đánh giá của Cục BVTV, các nghiên cứu đã xác định virus gây bệnh khảm lá mì chủ yếu qua 2 con đường chính là hom giống và bọ phấn trắng. Trong đó, virus gây bệnh khảm lá mì có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) tồn tại trong thân, lá và củ mì. Do đó, khi thân cây mì làm giống cho vụ sau thì virus sẽ tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm. Củ mì của cây nhiễm bệnh còn sót lại trên ruộng khi mọc mầm cũng bị xoăn lá và là nguồn bệnh nguy hiểm.
Trong khi đó, bọ phấn trắng cũng là tác nhân gây nhiễm bệnh khi chích hút cây mì đã nhiễm bệnh và truyền sang cây chưa nhiễm làm tăng mức độ lây lan. Theo Cục BVTV, nếu không tổ chức phòng chống, tiêu hủy nguồn bệnh khảm lá quyết liệt và kiểm soát tốt chất lượng giống thì bệnh khảm lá mì sẽ lan sang vùng nguyên liệu mì của cả nước. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Loay hoay giải pháp
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống bệnh khảm lá mì tổ chức tại tỉnh Tây Ninh vào cuối tháng 10.2018 vừa qua, Cục BVTV cũng đưa ra nhận định về những nguyên nhân dịch bệnh lan sang nhiều tỉnh thành sau khi phát hiện lần đầu tiên xuất hiện tại Tây Ninh vào tháng 5.2017. Theo đó, giống mì HLS11 là giống nhiễm bệnh khảm rất nặng nhưng vẫn đang được trồng trên đồng ruộng với diện tích khá lớn. Trong khi đó, một thực tế khác là nguồn giống sạch cung ứng cho nông dân đang thiếu hụt. Một nguyên nhân khác là nông dân trồng liên tục là cầu nối dịch bệnh tích lũy lan truyền. Mặt khác, việc mua bán, vận chuyển giống mì nhiễm bệnh giữa các vùng chưa được kiểm soát tốt là nguyên nhân lây lan nguồn bệnh sang các tỉnh thành khác. Đáng nói, khi phát hiện bệnh, nhiều hộ dân trồng mì không tiêu hủy dẫn đến nguồn dịch bệnh không thể dập tắt.
Nhận định thêm về tình trạng này, ông Nguyễn Duy Ân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, cho biết nguyên nhân chính khiến dịch khảm lây lan nhanh là do nông dân tiếp tục tái canh cây mì ngay trên diện tích đất canh tác cũ và mầm bệnh giống cây từ vụ trước chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó, công tác vận động người dân tiêu hủy khoai mì bị nhiễm khảm lá trên 70% gần như không có kết quả. Lý do là mức hỗ trợ cho ngành nông nghiệp hiện nay là quá thấp (chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha khi tiêu hủy) so với mức vốn người dân đã bỏ ra là hơn 30 triệu đồng/ha.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống bệnh khảm lá khoai mì vừa có yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện việc dập dịch, tuyệt đối không được sử dụng lại các loại giống khoai mì có mầm bệnh để tái sản xuất. Những đồng khoai mì bị nhiễm nặng phải vận động người dân tiêu hủy để xử lý nguồn bệnh, tránh lây lan ra diện rộng. Mặt khác, nông dân cần tạm thời chuyển đổi cây trồng phù hợp trên diện tích đất nhiễm bệnh để xử lý triệt để ổ dịch còn lưu trên đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.