Dự án là mô hình điểm đầu tiên trong kế hoạch phát triển hành lang logistics lạnh hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang các nước châu Âu trong bối cảnh nông sản Việt đang bị ùn ứ, đổ bỏ do ách tắc tại các cửa khẩu trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Dự án được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 1.000 m2, với vốn đầu tư hơn 1 triệu euro. Dự án ứng dụng công nghệ cảm biến IoT hiện đại, giúp bảo quản tối ưu nông sản công nghệ cao. Nó không chỉ có khả năng điều tiết, giám sát chặt chẽ môi trường bảo quản nông sản thông qua điều khiển từ xa mà còn có thể tự động đăng ký, kiểm soát chi tiết sản phẩm (loại, nguồn gốc, chất lượng, kích cỡ, tên nhà vườn…) giúp nông sản giữ được chất lượng tươi ngon trong thời gian dài, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thông tin sản phẩm, cũng như hỗ trợ nông dân quản lý, quy hoạch vùng trồng. Ngoài ra, mô hình còn được trang bị hệ thống năng lượng mặt trời sẽ giúp tiết kiệm điện, chi phí và bảo vệ môi trường trong suốt quá trình vận hành.
Mô hình kho lạnh thông minh đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào hoạt động |
KIM ANH |
Ngoài việc kết nối, đồng hành trong quá trình thi công, xây dựng dự án, trong 6 tháng tới đây, Viện Kinh tế xanh còn phụ trách công tác đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng kho lạnh thông minh cho nông dân; chuyển giao các công nghệ xây lắp, vận hành cho các đơn vị, nguồn lực trong nước… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, với mong muốn hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân, Viện Kinh tế xanh còn tổ chức các hoạt động kết nối thương mại với các doanh nghiệp lớn để đẩy mạnh việc xuất khẩu sang châu Âu. Đặc biệt là chương trình hợp tác, phát triển thương mại với phái đoàn Liên minh châu Âu nhằm tìm kiếm những khách hàng lớn đồng hành cùng đưa nông sản Việt bước đến châu Âu.
Theo Viện Kinh tế xanh, mỗi năm châu Âu nhập khẩu hơn 60 tỉ euro rau quả tươi, chiếm khoảng 44% trị giá thương mại toàn cầu của thị trường này. Châu Âu cũng là 5 trong 10 nước nhập khẩu nhiều rau quả tươi nhất thế giới. Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, lượng trái cây tươi nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng, nhất là những loại giàu vitamin như cam, quýt, bơ... Tuy nhiên, những hạn chế trong việc phát triển vùng sản xuất đạt chuẩn cũng như công nghệ sau thu hoạch đã trở thành trở ngại để nông sản Việt có thể chiếm lĩnh thị trường tiềm năng và rộng lớn này.
Do đó, việc mở rộng và thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang các nước châu Âu không chỉ góp phần gia tăng giá trị, thương hiệu nông sản Việt, cải thiện thu nhập, đời sống cho người nông dân mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt trong bối cảnh nông sản Việt đang chịu những thiệt hại nặng nề khi bị ách tắc, ùn ứ tại các cửa khẩu do ảnh hưởng của các chính sách kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Viện Kinh tế xanh đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của cộng đồng vì sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng logistics hiện đại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản định hướng thị trường châu Âu, Trung Đông và mô hình trình diễn kho lạnh thông minh tại Trà Vinh là một phần của chương trình đó.
Bình luận (0)