Thấm mệt vì thương chiến
Nhiều rủi ro, doanh nghiệp cần nhanh nhẹnBên cạnh đó, một loạt biến động chính trị trong năm bầu cử Mỹ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, trừng phạt, nguy cơ chiến tranh mạng và tăng trưởng kinh tế chậm trên toàn cầu khiến 2020 được dự báo là một năm nhiều rủi ro cho châu Á.
Theo dự báo thường niên của Tổ chức Tư vấn về rủi ro Control Risks công bố gần đây cho hay trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11.2020, chiến dịch tranh cử cùng với tiến trình luận tội Tổng thống Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Washington. Control Risks khuyến cáo các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương cần đề phòng những rủi ro, nhất là khi những cam kết của Nhà Trắng đối với khu vực vẫn còn bỏ ngỏ và cái kết của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung vẫn còn ở rất xa.
Một nguy cơ khác là mối đe dọa về an ninh mạng, châu Á đang đứng trước nguy cơ trở thành chiến trường ngầm cho các hoạt động gián điệp mạng, không chỉ nhằm vào các quốc gia mà còn cả các công ty. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu cũng là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế châu Á khó tự mình thoát được khỏi khủng hoảng.
Theo các chuyên gia của Control Risks, năm 2020 sẽ là một năm nhiều thử thách, do đó các chính quyền cũng như doanh nghiệp cần sự nhanh nhẹn, quyết đoán để sẵn sàng cho mọi tình huống.
Thanh Lương
|
Trong suốt năm 2019, những đáp trả thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây xáo trộn lớn trong thương mại thế giới, làm phân hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghệ, thực phẩm... Dù sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại lợi ích ngắn hạn cho một vài nước, nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp cho tổn thất chung của khu vực.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tình trạng này sẽ kéo tăng trưởng khu vực xuống chỉ còn 3% trong cả năm 2019 và cải thiện đôi chút trong năm 2020.
Các chuyên gia cho hay tăng trưởng năm 2020 của cả khu vực châu Á sẽ là 4,2%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo năm 2019, nhưng thua xa tốc độ tăng trưởng 5% hồi năm 2017 và 4,8% của năm 2018. Riêng tăng trưởng GDP của Trung Quốc, đối trọng trực tiếp trong cuộc thương chiến với Mỹ, được dự báo sẽ đạt “thủng đáy” 6% trong năm tới, cũng sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Đông Nam Á chạy đua
Trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á nỗ lực lôi kéo những nhà sản xuất tháo chạy khỏi Trung Quốc để tránh cuộc chiến thương mại.
Malaysia, Thái Lan đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và Indonesia cân nhắc biện pháp tương tự. Giới chuyên gia đánh giá động thái này có thể làm thay đổi mạng lưới chuỗi cung ứng ở châu Á.
Chính phủ Thái Lan hồi tháng 9 đã phê duyệt gói ưu đãi giảm phân nửa thuế cho những tập đoàn nước ngoài cam kết đầu tư ít nhất 1 tỉ baht (33 triệu USD) vào nước này, theo tờ Bangkok Post. Để nhận gói ưu đãi, doanh nghiệp phải rót tiền đầu tư trước cuối năm 2021 và phải hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm như điện tử công nghệ cao và hóa sinh. Đây là những lĩnh vực then chốt trong Hành lang kinh tế phía đông (EEC), một khu vực phục hồi nền công nghiệp đang được quy hoạch và hình thành gần bờ biển phía đông Thái Lan.
Dự án xây dựng một khu công nghiệp trong EEC nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc dự kiến sẽ khởi công sớm nhất là vào đầu năm 2020. CP Land, công ty bất động sản thuộc tập đoàn lớn nhất Thái Lan Charoen Pokphand, sẽ hợp tác với nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn kỹ thuật xây dựng Quảng Tây để thực hiện dự án này.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển đến Thái Lan để tránh những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Theo báo cáo của chính phủ Thái Lan, vốn đầu tư của công ty Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 30% trong năm 2019, lên 71,5 tỉ baht. Chẳng hạn, hồi tháng 4, nhà sản xuất lốp xe Prinx Chengshan (Trung Quốc) quyết định xây dựng một nhà máy trị giá 600 triệu USD tại Thái Lan.
Không chịu thua kém Thái Lan, chính phủ Malaysia hồi tháng 11 đã phê chuẩn một loạt các biện pháp ưu đãi trị giá khoảng 1 tỉ ringgit (240 triệu USD) hằng năm trong vòng 5 năm tới, theo Hãng thông tấn BERNAMA. Động thái này là nhắm vào các tập đoàn và công ty khởi nghiệp lớn từ nước ngoài, bao gồm giảm thuế và hỗ trợ tài chính.
Bên cạnh đó, Malaysia sẽ sớm chọn lựa khoảng 60 công ty đa quốc gia mà Kuala Lumpur nhắm tới. Chính phủ Malaysia sẽ vận động từng doanh nghiệp để họ thiết lập cửa hàng, nhà máy tại nước này. Các công ty Trung Quốc và Nhật Bản được cho là nằm trong danh sách của Malaysia.
Theo số liệu của chính phủ, trong nửa đầu năm 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 49,5 tỉ ringgit. Một yếu tố chính giúp FDI ở Malaysia tăng trưởng được xác định là thương chiến Mỹ - Trung.
Trong khi đó, Indonesia cũng đang tìm cách tham gia cuộc chạy đua thu hút FDI như Malaysia và Thái Lan. Vào cuối tháng 10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo chỉ đạo một thứ trưởng ngoại giao phụ trách vấn đề kinh tế đảm nhận nhiệm vụ tối đa hóa vị thế của Indonesia trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước mắt, chính phủ Indonesia hướng đến việc giảm thuế doanh nghiệp.
Việt Nam có nhiều ưu thế
Theo tờ Nikkei Asian Review, Việt Nam có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài một phần là nhờ vào lao động giá rẻ. Kết quả cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cho thấy từ tháng 6 - 8.2019, trong số 33 công ty Trung Quốc công bố kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài có 23 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam.
Trong cuộc cạnh tranh nhằm vẽ lại bản đồ chuỗi cung ứng, Việt Nam giành ưu thế hơn Malaysia và Thái Lan về mặt chi phí lao động. Theo báo cáo của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản, đối với công nhân trong ngành sản xuất, chi phí lao động ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) cao gấp 2,4 lần so với Hà Nội và Kuala Lumpur (Malaysia) cao gấp 2,8 lần. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, cơ sở hạ tầng chính là thách thức đặt ra cho Việt Nam trong việc trở thành điểm sản xuất hàng đầu trong việc thay thế Trung Quốc.
Bình luận (0)