Khô mắt xảy ra khi mắt không thể tiết đủ nước mắt để bôi trơn nhãn cầu. Tình trạng này có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Nếu là mạn tính, người mắc sẽ thường xuyên cảm thấy mắt bị ngứa và chảy nước mắt. Người mắc cũng thỉnh thoảng có thể gặp vấn đề về thị lực, khiến mọi thứ trông có vẻ mờ đi, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Để ngăn khô mắt thêm nặng, người bệnh cần hạn chế các hoạt động sau:
Dùng thiết bị điện tử trong thời gian dài
Tiếp xúc với ánh sáng xanh của màn hình các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, laptop trong thời gian dài là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây khô mắt. Vì khi nhìn chăm chú vào màn hình, tần suất chớp mắt sẽ giảm đi. Hệ quả là khiến nước mắt trên bề mặt nhãn cầu dễ bị bay hơi và nhãn cầu cũng không được làm ẩm đúng cách.
Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia khuyến cáo cứ sau 20 phút dùng thiết bị điện tử, chúng ta cần để mắt thư giãn bằng cách nhìn vào một vật cách 6 mét trong khoảng 20 giây. Cách này sẽ giúp mắt được nghỉ ngơi và giảm mỏi mắt.
Hạn chế tiếp xúc gió và ánh nắng
Tiếp xúc với gió mạnh và ánh mắt trời có thể làm bốc hơi nhanh lớp nước mắt giữ ẩm cho bề mặt nhãn cầu. Hệ quả là khiến triệu chứng khô mắt thêm nặng.
Do đó, những người bị khô mắt nên mang kính mát hoặc kính bảo vệ mắt khi ra ngoài. Kính không chỉ giúp bảo vệ mắt khỏi gió mà còn cả tia cực tím có hại trong ánh nắng. Tình trạng mắt bị khô và kích ứng sẽ giảm.
Hút thuốc
Khói thuốc có thể gây kích ứng cho mắt bằng cách phá vỡ các lớp phim nước mắt bên ngoài bề mặt nhãn cầu. Hệ quả là khiến khô mắt trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, người bị khô mắt cần tránh hút thuốc hay tiếp xúc khói thuốc lá thụ động.
Uống ít nước
Uống ít nước sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết nước mắt của tuyến lệ và làm trầm trọng thêm các triệu chứng khô mắt. Do đó, uống đủ nước sẽ giúp hạn chế tình trạng khô mắt, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể, theo Healthline.
Bình luận (0)