Khô mè bình dị

12/02/2016 08:10 GMT+7

Bánh khô mè là một trong 3 đặc sản của Đà Nẵng nằm trong tốp 50 đặc sản Việt Nam, do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công nhận.

Bánh khô mè là một trong 3 đặc sản của Đà Nẵng nằm trong tốp 50 đặc sản Việt Nam, do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công nhận. 

Ảnh: Bảo NguyênẢnh: Bảo Nguyên
Hồi năm 2012, bánh khô mè đã ở tốp 10 đặc sản bánh, quà tặng nổi tiếng Việt Nam.
Tại miền Trung, bánh khô mè nổi tiếng từ rất lâu, món này không thể thiếu trong những ngày lễ tết.
Hơn 40 năm trước, chỉ từ chiếc nồi rang gạo, mè, thắng đường và mang ra chợ bán, bà Huỳnh Thị Điểu (chủ của thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu) đã gầy dựng nên một “gia tài” đồ sộ cho cả vùng quê Cẩm Lệ. Những chiếc bánh khô mè thơm lừng, béo ngậy nổi tiếng vang xa. Chiếc bánh có nguồn gốc từ câu chuyện của đôi vợ chồng ở một vùng quê nghèo của Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây. Khi chồng lai kinh ứng thí ở Huế, người vợ đã nghĩ ra món bánh gạo bọc mè để chồng làm lương khô mang theo trên dặm đường xa. Những chiếc bánh đó để dành ăn được rất lâu ngày...
Từ nhỏ, bà Điểu đã học cách làm bánh khô mè. Khi gia đình khó khăn, bà rang gạo, mè, thắng đường để làm những mẻ bánh đầu tiên mang ra chợ bán. Người mua thích thú, bà Điểu hết hàng nhanh chóng; sau đó có nhiều người đến nhà tìm mua, đặt hàng. Dần dà, chiếc bánh trở thành đặc sản, không chỉ ở vùng quê nghèo khó Cẩm Lệ lúc bấy giờ, mà lan rộng sang những tỉnh, thành lân cận. Thương hiệu khô mè Bà Liễu nổi tiếng từ dạo ấy, và không chỉ bà, mà cả một vùng Cẩm Lệ, nhiều người dân cùng học nghề và mở xưởng bánh theo bà. Giờ, ở Cẩm Lệ có hơn 10 lò bánh khô mè, và luôn đỏ lửa.
Bánh khô mè được làm từ gạo ngon vo sạch giã mịn; in thành những chiếc bánh vuông vức, tẩm ướt hấp chín; kế đó sấy trên bếp than hoa cho bánh vừa vàng rụm thì nhúng vào nồi đường được thắng kéo tơ đang còn ấm nóng; công đoạn cuối là lăn vào nồi mè rang vàng. Bánh đã trở thành đặc sản một cách giản dị: bên trong thơm phưng phức mùi gạo mới, rồi ngọt lịm đường kéo tơ, và thơm bùi mùi mè rang... Chỉ một lần thưởng thức sẽ không dễ gì quên được.
Ngày thường, không khí làm việc ở các lò bánh đã rất nhộn nhịp, những ngày giáp tết càng tất bật hơn. Người in bánh, người nướng, người tẩm đường, người tẩm mè, người đóng bao... không ngơi tay. Bà Điểu cho hay vào mỗi mùa tết, nơi đây sản xuất hơn 50 tấn bánh, bán đi khắp nơi. Dù số lượng sản xuất ra rất lớn, nhưng tất cả các công đoạn làm bánh vẫn hoàn toàn bằng thủ công.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.