(TNO) Một số nhà làm phim cho rằng, khi làm phim lịch sử nếu phải chọn, họ sẽ chọn vẻ đẹp phục trang thay vì đúng tuyệt đối.
Cảnh trong phim Ánh sáng kinh thành với những trang phục thời kỳ đầu Âu hóa - Ảnh tư liệu đoàn làm phim
|
“Khi đó, họa sĩ thiết kế của chúng tôi đưa ra một bức ảnh có mẫu trang phục từ năm 1950 ra. Tuy nhiên, sau khi xem xét, đạo diễn cho rằng trang phục đó không phù hợp lắm với diễn viên nữ Thu Hà. Ông nói, nếu chọn giữa đẹp và đúng thì sẽ chọn đẹp”, đạo diễn Thanh Vân nhớ lại.
Cũng theo ông Vân, họa sĩ thiết kế sau đó cũng làm cho mẫu quần áo đó khác đi nhưng đẹp hơn. “Tôi nói ví dụ đó, nó theo tôi trong chặng đường làm phim. Trong một số trường hợp tôi cũng phải lựa chọn có đẹp không. Có thể rất rườm rà nhưng giữ được cốt nhân vật, tinh thần nhân vật. Tôi hy vọng đạo điễn, nhà thiết kế luôn tìm đi theo hướng sao để một phim Việt Nam chiếu ở thế giới thì khán giả đều thấy đó là phim Việt chứ không phải hình như đó là Hồng Kông, Trung Quốc”, ông Vân nói.
Tìm tinh thần thuần Việt
Tuy nhiên, để tìm một tinh thần thuần Việt cho trang phục phim ảnh rất khó.
Cái khó bắt nguồn từ việc đến giờ vẫn còn chưa có nhiều nghiên cứu sâu về trang phục cổ.
Còn nhớ, khi cuốn Ngàn năm áo mũ ra đời, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã có một buổi nói chuyện về cuốn sách và trang phục. Trong đó, ông đã phân tích qua hình ảnh một số sai lầm trong thiết kế trang phục của phim lịch sử. Chẳng hạn, chiếc mũ của vua ở phim Đường đến thành Thăng Long đã được làm không chính xác ra sao.
Theo nghiên cứu của ông Đức, một chiếc mũ vua đúng có 12 tua, mỗi tua có 12 hạt. Đây là con số thiêng. Chiếc áo cổn miện cho vua có mặt trăng, mặt trời ở hai vai. Cố định là như vậy. Tuy nhiên, những quy định này khi đi vào phim Đường tới thành Thăng Long đã biến mất.
Chỉ trông vào nghiên cứu, theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, là chưa đủ. Ông Đức vốn là họa sĩ thiết kế mỹ thuật phim lâu năm, cũng là người chơi đồ cổ rất rành. “Với người trẻ nghiên cứu trang phục, đôi khi các bạn lệ thuộc vào trang phục nghiên cứu. Trong khi trong phim đôi khi có những yêu cầu có trang phục khác biệt nhau theo tính cách nhân vật. Nhân vật nếu mang tính thiện thì trang phục sẽ phải khác đi. Nếu người đó gian ác thì trang phục sẽ khác, nó có thể không đúng sự thật mà phản ánh tính cách, hoàn cảnh của nhân vật đó”, ông Đức nói.
“Có lần trao đổi về trang phục có cả Dương Trung Quốc và Trần Quang Đức. Chúng tôi làm phim không thấy hình ảnh cụ thể. Ví dụ khi tả thì thế nhưng cái chén uống trà Việt Nam khác hẳn với Trung Quốc. Chỉ tên gọi không đủ đưa ra phom hình. Nó phải xuất phát từ hình dung cụ thể, cùng là cái mũ chữ Đinh nhưng cái của Việt Nam khác hẳn Trung Quốc”, ông Đức ví dụ.
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, để bù lại sự khó hình dung trong nghiên cứu, rất cần những cảm thụ đời sống, cảm nhận thực tiễn với truyền thống xưa. “Phải cảm thụ trên cả tinh thần đó nữa, chứ không chỉ dựa trên truyện, tài liệu nghiên cứu”, ông Đức nói. Chẳng hạn, đời sống nông dân lội ruộng thế nào sẽ sinh ra cái quần chân què, có ống thì cao và đũng thì vô cùng rộng. Như thế, người nông dân sẽ dễ dàng làm ruộng hơn.
Bộ trang phục với chiếc mũ và bộ áo không đúng với kết quả nghiên cứu khoa học trong phim Đường tới thành Thăng Long - Ảnh Tư liệu đoàn làm phim
|
Mặc dù vậy, về lâu dài, theo ông Đức khi các nhà nghiên cứu, làm phim trẻ tiếp xúc với đời sống thường xuyên hơn, họ hoàn toàn có thể thiết kế phục trang phim lịch sử. “Tôi nghĩ gần đây đã có lớp trẻ dấn thân. Nếu ta không giao cho họ điều kiện thực hiện thì sẽ khó. Chúng tôi muốn kêu gọi lớp trẻ thực hiện đam mê, yêu lấy văn hóa Việt. Chúng tôi muốn cộng tác trao lại công việc cho lớp trẻ thực hiện”, ông Đức nói.
Bình luận (0)