Không chỉ tôi, mà nhiều PV báo đài khác có mặt trong cuộc họp chiều 29.4, do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức để nghe Sở Y tế, Sở Tài chính báo cáo, làm rõ một số vấn đề về mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR 7,23 tỉ đồng, rất ngạc nhiên vì một chuyện “xưa nay hiếm”. Đó là, nhà cung cấp xin được hạ giá bán, từ bỏ lợi nhuận…
Không riêng gì Quảng Nam, một số tỉnh, như: Quảng Ninh, Thái Bình, các đơn vị cung cấp hệ thống xét nghiệm Covid-19 bán giá cao cũng chủ động tiếp cận bên mua để giảm giá bán. Vì sao nhà cung cấp lại có động thái bất thường?
Trở lại chuyện mua bán hệ thống xét nghiệm Covid-19 ở Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế, giải thích khi được UBND tỉnh đồng ý chủ trương chi ngân sách 7,56 tỉ đồng mua máy xét nghiệm, hóa chất, Sở đã nhiều lần đàm phán với Công ty CP TM-ĐT Giải Pháp Việt và được “chốt” giá 7,23 tỉ đồng.
Ông Hai bật khóc khi trần tình, đến thời điểm này, Sở chưa chuyển tiền, chưa nghiệm thu, chưa thanh lý hợp đồng mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR, nên đưa ra đề nghị trả lại máy cho nhà cung cấp (!?). Còn bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty CP TM-ĐT Giải Pháp Việt, thì cho rằng do mua hệ thống xét nghiệm Covid-19 giá cao từ nhà nhập khẩu, nên bán lại với… giá cao cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam. Bà nói, “công ty có... tình cảm đặc biệt dành riêng cho Quảng Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nên tự nguyện cắt lợi nhuận, giảm giá bán hơn 2,4 tỉ đồng”.
Dư luận đánh giá cao ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vì sau khi nghe các bên “thổ lộ tâm tư”, ông vẫn cương quyết chuyển vụ việc cho Thanh tra tỉnh làm rõ có hay không việc câu kết nâng khống giá để trục lợi. Nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm.
Vụ việc ở Quảng Nam đang được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nhưng gợi nhớ vụ “thổi giá” trong thương vụ mua bán AVG của MobiFone. Nếu có sai phạm, phải xử lý quyết liệt, nghiêm minh, không để tái diễn tình trạng “nuốt không trôi, thôi thì nhả”.
Bình luận (0)