Treo gần 20 năm
Nằm sát biển với địa thế bên núi, bên biển nên xã Nghi Tiến được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến “dòm ngó” để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng. Ông Lưu Đình Thưởng, Phó chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, cho biết từ năm 2003, một phần của xã này đã có quy hoạch xây dựng khu đô thị ven biển. Đến năm 2008, một doanh nghiệp (DN) Thái Lan đến khảo sát và dự kiến đầu tư xây dựng khu du lịch ven biển trên diện tích 28 ha. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng và lý do nào đó nên DN này chưa thực hiện. Đến năm 2017, tỉnh Nghệ An “ngỏ ý” đón Tập đoàn FLC đến đầu tư, diện tích dự kiến thực hiện bao gồm cả phần đất đã “hứa” với DN Thái Lan. Tháng 7.2017, UBND tỉnh Nghệ An và Tập đoàn FLC có biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư để khảo sát đầu tư dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi, thể thao, giải trí ngoài trời tại xã Nghi Tiến.
Theo quy hoạch, xóm Tiền Phong này sẽ phải di dời đến nơi ở khác |
K.HOAN |
Không lâu sau, FLC công bố sẽ thực hiện dự án quần thể du lịch này trên diện tích 460 ha với kinh phí khoảng 8.000 tỉ đồng. Tháng 10.2017, làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, FLC cam kết sẽ thực hiện đầu tư nhanh chóng, hoàn thành dự án theo đúng mục tiêu và tiến độ đề ra. “Sau khi nghe thông tin, chúng tôi rất phấn khởi vì dự án sẽ làm thay đổi quê hương, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân vì chủ đầu tư dự kiến sẽ sử dụng rất nhiều lao động. Nhưng từ đó đến nay, dự án vẫn không hình thành, chỉ dừng lại ở khâu quy hoạch và chưa biết đến khi nào sẽ thực hiện”, ông Thưởng nói.
Ông Đoàn Văn Đại, Trưởng phòng Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế đông nam Nghệ An, cho biết khu vực này nằm trong phạm vi của Khu kinh tế đông nam. Hiện khu vực này đang phải điều chỉnh lại quy hoạch và theo thẩm quyền, phải trình Thủ tướng phê duyệt nên chưa có dự án nào thực hiện được.
Dân và chính quyền cùng khổ
Ông Lưu Đình Thưởng cho hay theo quy hoạch ban đầu, dự án của FLC sẽ khiến gần 600 hộ dân của xã phải di dời. Ngoài ra, trụ sở xã và một số công trình trường học cũng nằm trong phạm vi quy hoạch của dự án. Từ năm 2017, sau khi FLC đến khảo sát, nghĩ rằng dự án sẽ sớm hình thành và thực hiện nên xã đã thông báo cấm người dân trong phạm vi quy hoạch xây dựng mới nhà cửa. Nhà văn hóa của xã đang xây dở cũng phải dừng lại. Dự án kiên cố hóa trường học cho trường tiểu học và mầm non của xã đã được phê duyệt, cấp vốn nhưng lễ khởi công phải dừng lại vì vướng quy hoạch. “Hạ tầng không thể triển khai nên mục tiêu nông thôn mới của xã phải dừng lại từ năm 2017. Do quy hoạch nên gần 20 năm qua, xã không thể quy hoạch đất ở để bán cho dân tách hộ, giãn dân khiến nhiều gia đình phải sống 3 - 4 thế hệ trong một nhà. Xã không dám thực hiện dồn điền đổi thửa cho dân vì vướng quy hoạch. Người dân muốn đầu tư để nuôi trồng thủy sản cũng sợ phải di dời nên không dám làm”, ông Thưởng nói.
Gần đây, do dự án chưa biết đến khi nào mới hình thành nên chính quyền đã phải “cởi trói” cho người dân có nhu cầu xây mới nhà cửa và cải tạo xây mới thêm phòng học mầm non vì đã quá tải từ nhiều năm qua.
Ông Trần Văn Thơ, xóm trưởng xóm Tiền Phong (xã Nghi Tiến), cho biết vợ chồng ông có 2 người con trai đã lập gia đình nhưng do không xây được nhà mới nên cả 3 gia đình phải sống chung trong một nhà. Cuối năm 2019, vì quá bức bách, ông phải liều tách hộ cho con bằng việc xây căn nhà khác kề bên căn nhà cũ của gia đình. “Ở xóm này, rất nhiều gia đình đang phải sống 3 - 4 hộ trong một căn nhà. Xã không được phê duyệt quy hoạch để bán đất ở do vướng quy hoạch treo nên những gia đình đất chật rất khổ sở vì không biết mua đất ở đâu để tách hộ cho con. Nỗi khổ này dân đã kêu từ nhiều năm rồi, nhất là trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa biết có thực hiện dự án nào không”, ông Thơ nói.
Bình luận (0)