Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, dự án cần 230.000 tỉ, trong đó số tiền đầu tư 93.000 tỉ (từ nguồn vốn ngân sách nhà nước) được Chính phủ chuyển từ ODA sang trái phiếu. Khó khăn là phần vốn còn lại chỉ có thể từ ngân hàng thương mại, điều này sẽ tạo áp lực với các ngân hàng vì không còn vốn cho các dự án khác. Hiện các ngân hàng cũng rất cảnh giác cho vay BOT vì nợ xấu rất nhiều, vì vậy vốn nội địa rất khó khăn. Ông Nghĩa đưa ra gợi ý hướng các doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài, nhất là các nguồn đầu tư mới ngoài các đối tác vay truyền thống lâu nay. Ông Nghĩa đặt giả thiết vay vốn của Trung Quốc qua Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vì cho rằng giảm bớt rủi ro tỷ giá so với đồng USD.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP, Bộ GTVT, khả năng huy động vốn tín dụng trong nước để đầu tư theo hình thức PPP đang ở mức giới hạn, vì vậy phải hướng đến các nguồn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay ngoài 40,7% vốn ngân sách nhà nước để đầu tư cho dự án cao tốc này, Bộ đang trình nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời sẽ kêu gọi đầu tư. Khi đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài thường có những yêu cầu về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh nguồn vay, những điều này VN chưa làm được. Vì thế, Bộ cũng tính đến các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, vấn đề là làm cách nào để huy động được từ chính người dân.
Bình luận (0)