Khó tìm đầu ra, giá nếp giảm mạnh

Vài năm trước, nhu cầu tiêu thụ nếp tăng cao, giá liên tục tăng nên nhiều nông dân ĐBSCL đã chuyển từ trồng lúa thường sang trồng lúa nếp.

Thế nhưng hiện nay, khi diện tích lúa nếp tăng đột biến thì việc tìm đầu ra khó khăn khiến nông dân đối diện nguy cơ bị lỗ. Các địa phương có diện tích trồng lúa nếp nhiều là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tiền Giang.
Ông Võ Thanh Tùng (ngụ xã Tân Công Chí, H.Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết mấy vụ trước thấy bà con trồng nếp bán giá cao nên ông làm theo và “thắng lớn” so với trồng lúa thường. Tuy nhiên, từ vụ đông xuân 2016 - 2017 đến nay, giá lúa nếp giảm mạnh nên ông không có lời.
Theo ông Hồ Văn Lý, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Tân Hồng (Đồng Tháp), vụ hè thu vừa qua toàn huyện có khoảng 10 ha lúa nếp. Trong số này chỉ khoảng 20% có hợp đồng liên kết với công ty, 15% liên kết với thương lái, số còn lại vẫn chưa xác định được đầu ra. Tính tới thời điểm này, giá lúa nếp được thương lái thu mua dưới 5.000 đồng/kg, giảm hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2016. Trong khi lúa OM 4900 hiện có giá 5.500 đồng/kg và các giống lúa thơm khác giá còn cao hơn.
Tại Kiên Giang, diện tích sản xuất lúa nếp tăng giảm theo từng vụ tùy vào hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân, dao động từ 5.000 - 10.000 ha/vụ. Điều đáng nói, phần lớn nông dân sản xuất lúa nếp vẫn tự phát, khi có đơn vị đến đặt vấn đề thu mua là bắt tay làm. Ông Ngô Văn Út (ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều, H.Giang Thành, Kiên Giang) có 15 ha đất trồng lúa thì vụ thu đông này đã canh tác tới 12 ha lúa nếp. Ông Út nói: “Sở dĩ tôi mạnh dạn sản xuất lúa nếp nhiều do được hợp đồng bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, năm nay làm lúa nếp không có lãi do giá thấp. Thời điểm tôi thu hoạch chỉ bán được 4.800 đồng/kg”.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết diện tích lúa nếp của tỉnh mới tăng mạnh vài năm gần đây do có thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc là chính. Tuy nhiên, nông dân cần thận trọng, chỉ làm lúa nếp khi có hợp đồng chắc chắn chứ không nên phát triển một cách ồ ạt, dễ dẫn đến dư thừa, khó tiêu thụ và mất giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.