Chị Hường sắp làm mẹ nhưng nợ vay thời đi học chưa trả được
Bà Nông Thị Thơm lo lắng với khoản nợ quá hạn - Ảnh: T.N.Q |
Trong một quán tạp hóa ở trung tâm xã Đắk Sôr, H.Krông Nô (Đắk Nông), chị Dương Thị Hường, 24 tuổi, có thai gần ngày sinh đang tất bật bán những thứ lặt vặt cho khách qua đường. Lấy chồng gần 1 năm nay, không có việc làm, chị Hường mượn bố mẹ mảnh đất nhỏ để cất cửa hàng này làm kế sinh nhai qua ngày. “Em tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Mỹ thuật Đà Nẵng từ năm 2011 nhưng chạy vạy xin khắp nơi không có chỗ để dạy, đành tính chuyện chồng con cho yên bề. Ngặt nỗi, còn số tiền nợ vay ngân hàng để đi học vẫn chưa lấy gì trả được”, Hường giãi bày. Tiếp chuyện, bà Dương Thị Duyễn, mẹ Hường, cho biết mấy năm qua để lo cho hai chị em Hường ăn học, bà vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hơn 30 triệu đồng. “Cứ nghĩ đơn giản hai con gái học xong ra trường là có việc làm, giúp bố mẹ trả hết nợ nhưng mới chỉ có người chị của Hà có công việc nhưng lương thấp quá, mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, chưa đủ nuôi thân. Đến nay, nợ đã quá hạn nhưng không biết kiếm đâu ra tiền trả”, bà Duyễn thở dài.
Gần nhà Hường có cô gái Nông Thị Ngân, cử nhân khoa Sử ĐH Đà Lạt, tốt nghiệp được 2 năm nay nhưng cũng không xin được việc, đành ở nhà làm nông. Bà Nông Thị Thơm, mẹ Ngân, chìa cuốn sổ vay vốn cho biết nhà bà đã vay theo diện hộ nghèo 20 triệu đồng, còn vay cho con gái theo học ĐH 4 năm hết 28 triệu đồng, nhưng cả hai khoản đến nay chưa trả được cả gốc lẫn lãi. “Em trai của Ngân đang học dở CĐ Nông lâm ở ĐH Tây Nguyên thì bỏ học đi làm nhân viên bảo vệ khu du lịch, vì thấy chị tốt nghiệp ĐH mà không có việc làm”, bà Thơm thất vọng kể. Qua tìm hiểu, hơn chục thanh niên trong xã Đắk Sôr tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp nghề nhưng vẫn không xin được việc, gia đình còn gánh khoản nợ vay lúc đi học...
Theo ông Phạm Hòa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH H.Krông Nô, đến nay có hơn 2.100 lượt HS-SV trên địa bàn huyện vay với dư nợ gần 32 tỉ đồng để chi phí cho học tập. Năm 2013, có 131 HS-SV đến hạn trả nợ nhưng vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là không tìm được việc làm, không có thu nhập nên gần 80% trong số này xin gia hạn nợ. Ông Hòa cho rằng theo quy định, ngân hàng cho gia hạn nợ nhưng hết thời hạn buộc các gia đình phải trả nợ, nếu không thì chuyển sang nợ quá hạn. Chính vì sức ép của nợ quá hạn mà nhiều gia đình phải tìm cách vay mượn nơi khác để trả. Cựu SV Lã Văn Bằng, cùng xã Đắk Sôr, cho biết gia đình anh phải thế chấp bìa đỏ đất ở để vay ngân hàng khác về trả nợ cho Ngân hàng CSXH.
Ở Đắk Lắk, mặc dù thu nợ vốn vay chương trình tín dụng đối với HS-SV khá thuận lợi nhưng số tuyệt đối nợ quá hạn vẫn khá lớn. Theo ông Nguyễn Tử n, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk, đến cuối tháng 8.2013, hơn 46.500 lượt hộ đã vay theo chương trình này, trong đó có 36.000 hộ nghèo và cận nghèo, với tổng dư nợ 927 tỉ đồng; trong đó nợ quá hạn 5,4 tỉ đồng. Ông n cũng cho rằng, hộ nghèo thường chậm trả nợ vay, nếu con em họ ra trường không có việc làm, thu nhập thấp thì khả năng trả nợ càng khó hơn. “Tôi nghĩ, đồng thời với chương trình tín dụng giúp HS-SV học tập thì Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách giải quyết việc làm cho HS-SV tốt nghiệp. Nếu không thì ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tình trạng thất nghiệp của các cựu HS-SV sẽ khiến tình trạng nợ quá hạn càng khó giải quyết”, ông n bày tỏ.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)