Khó triển lãm tranh của họa sĩ đã mất

30/05/2019 06:29 GMT+7

Ông Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho rằng do vấn đề tác quyền nên sẽ khó cấp phép cho các triển lãm tranh của tác giả đã mất, nhất là tranh thời kỳ mỹ thuật Đông Dương.

Nỗi e ngại từ quá khứ và châu Âu

Nếu phải thẩm định thì không thể chỉ xem vài cái ảnh, vài cái hình chiếu hoặc xem tranh trong mấy tiếng đồng hồ mà khẳng định được đây là đồ thật. Chúng tôi không ai đủ trình độ để làm được như thế, mà cũng không ai dại dột đi làm việc đó Họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng tư vấn cho Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm
 
Vụ việc gần như toàn bộ tranh trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (2016, tại TP.HCM) bị cho là giả đã không đi đến kết luận cụ thể nào về pháp lý. Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã thu tranh trở về. Trong khi đó, cả gia đình của cố họa sĩ Tạ Tỵ cũng như họa sĩ Thành Chương đều không có được điều họ mong muốn là xóa tên tác giả Tạ Tỵ trên một bức tranh của Thành Chương và thay vào đó là tên Thành Chương.
Tuy nhiên, dư âm tới giờ vẫn còn dai dẳng. Vì thế, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) rất thận trọng khi xem xét việc cấp phép triển lãm tranh Tạ Tỵ. “Nhất là triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật nữa thì càng phải hết sức thận trọng. Chúng tôi rất ủng hộ nhưng phải bảo đảm bản quyền chứ nếu không lại vỡ tung ra thành một vụ tai tiếng của ngành mỹ thuật về tranh thật, tranh giả triển lãm đấy”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, nói.
Trong khi đó, họa sĩ Thành Chương - một thành viên của hội đồng tư vấn cho cục trong việc cấp phép này, cho biết việc cấp phép có nghĩa là cấp cho bức tranh một chứng chỉ tốt. “Hiện nay, có một xu hướng của những người sưu tập tranh ngày xưa là muốn bày triển lãm và bày trong bảo tàng. Mà đã bày trong bảo tàng thì nghiễm nhiên coi như một xác nhận chuẩn chỉ. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm sẽ thẩm định tranh, sau khi thẩm định xong tranh sẽ bày ở bảo tàng, sẽ có một chứng chỉ rất tốt đảm bảo đó là bức tranh tốt”, ông nói.
Ông Lương Xuân Đoàn cũng cho biết việc cấp phép triển lãm cho những tác giả đã mất, đặc biệt là thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, là một trách nhiệm lớn. “Nếu tác giả đương đại trong nước thì dễ. Nhưng nếu tranh từ nước ngoài về thì phải cẩn trọng để bảo đảm giá trị của tác giả khi công bố. Người làm đơn xin triển lãm nói là chịu trách nhiệm, nhưng nếu khi có vấn đề xảy ra tranh giả, tranh thật thì ai chịu trách nhiệm. Đơn vị cấp phép cũng phải chịu trách nhiệm vì để lọt lưới những bức tranh không đảm bảo giá trị nghệ thuật. Đấy là điều khó, nhất là trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là với các họa sĩ Đông Dương”, ông Đoàn nói.
Khó triển lãm tranh của họa sĩ đã mất
Bức tranh được cho là tác phẩm Cất cánh của cố họa sĩ Tạ Tỵ Ảnh: Nghệ thuật xưa cung cấp

Nghẽn mạch

Trong khi đó, hội đồng tư vấn cho Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cho biết, họ chỉ có thể xem xét việc tranh có vi phạm pháp luật hay thuần phong mỹ tục hay không mà thôi. “Nếu phải làm cả cái việc thẩm định để phát chứng chỉ đây là tranh thật hay tranh giả thì hội đồng này không bao giờ nhận việc đó. Và nếu phải thẩm định thì không thể chỉ xem vài cái ảnh, vài cái hình chiếu hoặc xem tranh trong mấy tiếng đồng hồ mà khẳng định được đây là đồ thật. Chúng tôi không ai đủ trình độ để làm được như thế, mà cũng không ai dại dột đi làm việc đó”, họa sĩ Thành Chương nói.
Cũng theo ông Chương, nhiều chương trình thẩm định tranh phải trở thành dự án 1 - 2 năm. “Thậm chí phải 3 năm, để có đủ thời gian đi sưu tầm, nghiên cứu, tìm hiểu lai lịch xuất xứ, nguồn gốc, quá trình xuất hiện của bức tranh. Bên cạnh đó, phải nhờ bên khoa học để chiếu chụp. Mà kể cả các chuyên gia hàng đầu thế giới, máy móc hỗ trợ cực kỳ kinh khủng cũng vẫn còn lọt tranh giả làm tinh xảo”, ông Chương nói. Hiện tại, Trung tâm giám định của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cũng đã liên kết với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để thực hiện giám định. Giá để giám định một bức tranh khoảng 35 triệu đồng.
Cũng theo ông Chương, nhà sưu tập bày tranh không chỉ để bày tranh mà muốn qua đó xác định bảo đảm giá trị tranh, bởi “đây là cả hội đồng nghệ thuật quốc gia chứng nhận cho tôi và cho phép tôi bày”. Ông cho rằng sau khi được triển lãm trong bảo tàng mỹ thuật thì tranh sẽ được nâng giá mua bán trên thị trường.
Chính vì thế, theo ông Chương, việc cấp phép triển lãm cho các tác giả đã mất sẽ rất khó khăn. “Với cách thẩm định, khả năng thẩm định hiện nay ở VN thì khả năng tranh của các cụ được triển lãm vô cùng khó”, ông nói.
Ông Lương Xuân Đoàn cũng có cùng quan điểm về việc cấp phép cho các triển lãm tranh tác giả đã mất, nhất là tranh thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. “Chắc chắn là khó, trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi nhìn những tranh của các họa sĩ Đông Dương từ châu Âu về một cách đầy nghi ngại. Anh em cũng chỉ cảm được tranh từ phong cách, đĩa màu nhưng gọi thật ra là tranh giả - thật thì rất khó”, ông Đoàn nói.
Trong khi đó, điểm đến lý tưởng là Bảo tàng Mỹ thuật VN cũng rất cẩn trọng trong việc cho thuê sàn làm triển lãm. “Phải có giấy phép của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, chúng tôi mới xem xét nếu còn chỗ trống địa điểm. Nhưng nếu bản thân chúng tôi thấy chưa ổn, sau khi cục cấp phép, chúng tôi vẫn có quyền từ chối, đặc biệt là với tranh Đông Dương, vì chúng tôi nhận thức rõ vị thế của bảo tàng nên rất cẩn trọng”, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.