Khó Trư gian khó

15/06/2019 09:29 GMT+7

'Thôn Khó Trư nằm cạnh cột mốc. Chúng em chỉ mong được xây điểm trường để dựng cột cao treo cờ đỏ sao vàng...'

Điểm trường nằm trên đỉnh dốc, đi bộ 2 tiếng đồng hồ qua 7 khoanh núi, 5 ngọn đồi và 3 vực sâu mới tới. Phía trước là trải dài thung lũng tít tắp, phía sau sừng sững núi cao và ngay cạnh vài bước chân là cột mốc biên giới 375 hiên ngang giữ đất.
Ai lên được đây đều thở ra đằng tai lắc đầu “khổ quá”, nhưng cô giáo thì chỉ cười: “Mình vừa dạy vừa giữ biên giới với đồng bào. Khổ cũng gắng thôi”…

Không điện, không đường

Buổi chiều ở Khó Trư, bạn đi cùng mở điện thoại bật bài hát Chiều biên giới em ơi (nhạc sĩ Trần Chung, lời thơ Lò Ngân Sủn) để câu hát ngân lên bát ngát: “Chiều biên giới em ơi. Có nơi nào cao hơn. Như đầu sông đầu suối. Như đầu mây đầu gió, như trời quê biên cương”.
Lời hát khiến tôi nhớ đến ước mơ của những cán bộ, giáo viên xã biên giới Phố Cáo: “Thôn Khó Trư nằm cạnh cột mốc. Chúng em chỉ mong được xây điểm trường để dựng cột cao treo cờ đỏ sao vàng, giàn năng lượng mặt trời để thắp sáng trong đêm. 1 đốm lửa, 1 chấm sáng thôi nhưng đó cũng là điểm tựa để cùng nhau giữ Tổ quốc”...
Vàng Vản Sính (45 tuổi) là trưởng thôn Khó Trư (X.Phố Cáo, H.Đồng Văn, Hà Giang). Gầy, đen và nhăn nheo như trái thảo quả để lâu nhưng Sính làm trưởng thôn ngót 20 năm nay nên rành mạch mọi chuyện diễn ra trên mảnh đất địa đầu xã Phố Cáo: “Xóm từ bao đời trước. Chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra, dân phải sơ tán về phía sau. Năm 1990 hết tiếng súng, cả bản rủ nhau quay lại đất cũ cho đến bây giờ”, Vàng Vản Sính kể và khoe: “Mình cũng đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, giờ vừa làm trưởng thôn vừa làm dân quân và công an viên. Ở cạnh mốc biên giới này, việc gì cũng phải làm thôi”.
Thôn Khó Trư bây giờ có 23 hộ dân với 103 nhân khẩu. Chả biết ngày xưa các cụ sao lại đặt tên thôn có chữ “Khó” mà giờ, nhìn đâu cũng thấy khó khăn. Sống trên địa hình núi cao thiếu nước, trong khu vực có nguy cơ sạt lở nên đất trồng phải tìm từng gang tay để cắm bằng được cây ngô.
Mà đất này, cũng chỉ ngô mới sống được nên lương thực để nuôi sống con người chỉ là ngô nguyên hạt ninh cho mềm. Ngán quá thì xay thành bột, rồi đồ thành mèn mén, ăn với canh rau cải. Bát cơm, chỉ có được mấy ngày tết.
Nguồn thu nhập của 23 hộ dân trong thôn, quanh đi quẩn lại chỉ là nuôi bò. Con bò trên núi cao này, từ khi là con bê bé tý cho đến khi mang xuống chợ Phố Cáo bán, nhanh nhất cũng 4 - 5 năm và khoản tiền bán bò chia ra, chưa đến 10 triệu đồng/năm cho cả gia đình 4 - 5 con người ăn uống, sinh hoạt.

Lớp học nhờ cạnh mốc 375

Các cô giáo mầm non chăm sóc bé Vàng Thị Mỷ (1 tháng tuổi) trong lớp học mầm non Khó Trư
Cẩu Thị Hậu năm nay 25 tuổi là giáo viên điểm trường Khó Trư. Điểm trường có 2 lớp là mầm non và tiểu học. Hậu dạy 15 đứa trẻ mầm non còn thầy giáo Luyện dạy 23 đứa trẻ tiểu học. Gọi là điểm trường, nhưng đó chỉ là căn nhà vách đất mái tôn rộng 20 m2 được ngăn đôi bằng liếp tre. Phần nhỏ phía trong kê sin sít 15 cái ghế nhựa bé tý dành cho lớp mầm non. Phía ngoài rộng hơn nhưng cũng chỉ ghép đủ 2 dãy bàn ghế cho 23 đứa trẻ ngồi sát nhau chật cứng, đến nỗi đứa này viết thì đứa kia phải thu tay giữa 2 đầu gối; lớp này nói chuyện thì thào, lớp kia nghe rõ mồn một.
Trầy trật lên đến nơi, nhìn cái lớp học bé tí tẹo cạnh mốc biên giới, chúng tôi thở dài: “Đâu đến nỗi thiếu đất mà không xây điểm trường?”.
Thầy giáo Hoàng Vi Luyện cười buồn: “Nhà thuê của dân. Trường không có đâu”. Hỏi ra mới biết cả chục năm nay, Đảng ủy - UBND xã Phố Cáo đã liên tục kêu lên cấp trên xin kinh phí xây điểm trường nhưng đều không có hồi âm. Lớp không có nhưng học sinh thì mỗi năm lại nhiều thêm. Xã đành trích kinh phí hoạt động, mang lên thôn nài nỉ hộ gia đình có nhà rộng, nhường làm lớp học.
“Cứ vài năm lại phải chuyển lớp. Khổ cả giáo viên lẫn học sinh”, Phạm Thị Hiền, Bí thư xã kể.
Điểm trường Khó Trư gồm 2 lớp học trong ngôi nhà mượn của dân bản
Hôm tôi lên điểm trường Khó Trư, cô giáo Hậu vừa trông bọn trẻ vừa bế em bé Vàng Thị Mỷ mới tròn 1 tháng tuổi. Khó Trư xa tít mù tắp, lại lạc hậu đói nghèo nên vợ chồng Vàng Mý Ly (23 tuổi), Tráng Thị Thò (21 tuổi) đã có tới 3 đứa con. Cậu con trai đầu Vàng Mý Già năm nay 3 tuổi, con gái Vàng Thị Chai 2 tuổi. Tháng 4.2019, Tráng Thị Thò sinh bé Vàng Thị Mỷ và qua đời ngay sau khi sinh.
Nhà quá nghèo, đến cái giường nằm cũng không có, phải nằm ngủ trên gác bếp nên ông bố trẻ Vàng Mý Ly (23 tuổi) phải vay tiền mua sữa hộp về pha cho con uống. Thấy vậy, cô giáo Hậu về thị trấn mua cả bình lẫn sữa bột mang vội lên, “huấn luyện” cho ông bố trẻ cách cho con ăn. Dần quen, cứ gần trưa là ông bố trẻ lại ôm đứa con lên điểm trường “nhờ cô giáo cho nó ăn”.
Giờ, các cô giáo ở dưới trường chính lên Khó Trư công việc đều dành thời gian cho bé Mỷ ăn sữa và truyền đạt cách chăm con cho ông bố. Các cán bộ xã vùng biên giới Phố Cáo thì bảo nhau góp quần áo, chăn màn, tiền mua sữa bột mang lên Khó Trư.

Ước mơ miền biên viễn

Thầy Hoàng Vi Luyện năm nay 42 tuổi là người dân tộc Tày ở TT.Phó Bảng (H.Đồng Văn). Lớp học của thầy Luyện có 23 học sinh nhưng “chính quy” chỉ 11 đứa lớp 1, số 12 đứa trẻ còn lại đều đã học lớp 2 - 3 nhưng do trường chính quá xa, nên đành ở lại thôn để nhờ thầy chỉ bảo. Thầy Luyện kể: Mùa đông Khó Trư trên cao lạnh gấp vài lần Phố Cáo, thậm chí còn có tuyết. Những ngày rét, học sinh vẫn lũn cũn đến lớp nhưng tay cứng không cầm nổi bút, giáo viên lại phải đốt củi cho sưởi.
“Lớp học nhờ nhà dân nên không có phòng ở giáo viên. Cô giáo mầm non được thông cảm cho dạy buổi sáng. Tôi thì phải dạy nguyên ngày trong thứ ba và năm hằng tuần, buổi trưa ăn tạm mì tôm và mắc võng nằm chờ học sinh đến học nốt chiều”, thầy Luyện kể và chợt buồn: “Trẻ con trên này ham học. Bà con năm nào cũng xin dựng trường mà mãi chẳng thấy đâu”.
Cán bộ Đồn biên phòng Phó Bảng (H.Đồng Văn, Hà Giang) cùng 2 cô giáo mầm non xã Phố Cáo (bìa phải) giám sát binh sĩ thuộc chi đội Công an biên phòng châu Văn Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) ở mốc 375 - Khó Trư
Buổi chiều ở Khó Trư, tôi hớt hải chạy theo các thầy cô giáo cùng thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Triệu Văn Sơn và Trần Ngọc Hoàng (cán bộ Đồn biên phòng Phó Bảng) sau tiếng gọi của trưởng thôn Vàng Vản Sính: “Bên Trung Quốc đang ở mốc 375”. Vài bước chân ra tới cột mốc, đã thấy các cô giáo cùng bộ đội biên phòng theo dõi 7 binh sĩ thuộc Chi đội Công an biên phòng châu Văn Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) lăm lăm súng ống, bộ đàm, cùng chó nghiệp vụ tuần tra phần đất của họ cạnh mốc.
Các cô giáo bảo: “Trên này xa đồn, xa chính quyền địa phương nên mọi việc biên giới, chúng em đều có mặt ngay, thành quen”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.