Nhận làm giám tuyển lại thành "tự phụ"
TS Vũ Thị Hà, người đã làm giám tuyển cho trưng bày Sống trong bí tích - Văn hóa Công giáo đương đại của Bảo tàng Dân tộc học, không thể quên những ngày tổ chức trưng bày hồi năm 2008.
"Khi trưng bày Sống trong bí tích - Văn hóa Công giáo đương đại khai mạc, người Công giáo khi vào xem thấy như được về nhà. Cách trưng bày cũng làm người ngoại đạo thấy niềm tin của chúng tôi không mù quáng. Còn người không tôn giáo thì thấy văn hóa VN phong phú và đa dạng", TS Vũ Thị Hà kể trong Hội thảo chuyên đề ngành giám tuyển (tổ chức vào hai ngày 13 - 14.4 tại Hà Nội).
TS Vũ Thị Hà cho biết để chuẩn bị cho trưng bày khi đó, nhiều cuộc điền dã đã được tổ chức để phỏng vấn, để tìm kiếm hiện vật trong nhiều năm. Các giám tuyển của Bảo tàng Dân tộc học cũng phải tìm hiểu vì sao lại có xung đột, có nhận thức phiến diện về cộng đồng Công giáo. Họ tìm hiểu và thấy xung đột xuất hiện ngay khi Công giáo vào VN do việc theo Công giáo sẽ không thực hành truyền thống thờ cúng tổ tiên. Thêm vào đó, bên Công giáo chủ trương 1 vợ 1 chồng, còn lúc đó người Việt vẫn còn tình trạng đa thê...
"Chúng tôi khảo sát công chúng đến bảo tàng thì thấy những hiểu biết của cộng đồng không Công giáo với Công giáo có khi không nhiều, lại phiến diện. Cuộc trưng bày có quá nhiều áp lực", TS Hà kể.
Mặc dù vậy, các cán bộ Bảo tàng Dân tộc học vẫn tìm ra cách để kể câu chuyện của người Công giáo - đó là các bí tích đời người của họ. Trong trưng bày, có thể thấy cách người Công giáo sinh ra, lớn lên, sống trong gia đình, đi đến cái chết... Những quá trình đó luôn có các nghi lễ trong năm, nghi lễ cuộc đời đi cùng. Trưng bày còn kể câu chuyện nghề thủ công của người Công giáo liên quan đến Công giáo, âm nhạc, lịch sử Công giáo… Trong quá trình sưu tập hiện vật, họ cũng gặp khó khăn khi tiếp xúc chưa đủ lâu, chưa đủ lòng tin. Có những người phải sau 2 năm mới trao hiện vật cho cán bộ bảo tàng.
TS Vũ Thị Hà nói: "Trưng bày khi đó cũng là sự kiện chính trị - xã hội, thu hút quan tâm của báo giới".
Tuy nhiên, điều đáng nói nhất lại là vị thế của các giám tuyển như TS Hà. "Trong bảo tàng của chúng tôi, nếu tự nhận là giám tuyển thì hơi tự phụ quá. Chúng tôi làm trong bảo tàng công lập và trong hệ thống chức danh của bảo tàng công lập thì không có giám tuyển. Chúng tôi chỉ có di sản viên, nghiên cứu viên…", TS Vũ Thị Hà tâm sự.
Một nghề phải biết nhiều nghề
Trong suốt những trao đổi về nghề giám tuyển tại Hội thảo chuyên đề ngành giám tuyển, có những câu chuyện nghề được mổ xẻ cả về lý thuyết và thực hành.
Một trong số đó là câu chuyện ngành giám tuyển cũng là một địa bàn viết sử. Người giám tuyển phải tự nghiên cứu lịch sử để có thể hiểu về trưng bày mà mình sẽ thực hiện. Giám tuyển Lê Thuận Uyên chia sẻ kinh nghiệm của mình khi tìm hiểu về nghệ sĩ Điềm Phùng Thị. Theo đó, bất chấp việc tại Huế có Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị rất lớn, thông tin về bà cả ở trung tâm này lẫn trên mạng đều không nhiều. Bản thân các thông tin cũng gây tò mò vì tạo cảm giác thiếu logic như chuyện bà tốt nghiệp bác sĩ nhưng lại ngộ độc thuốc phải đi Pháp chữa bệnh… Sau cùng, Lê Thuận Uyên chỉ có thể nghiên cứu về quy trình làm việc của bà Điềm Phùng Thị qua một số tư liệu ảnh. Việc truy tìm tư liệu sau đó tại Trung tâm văn hóa Pháp, Viện Goethe, Quỹ văn hóa Nhật Bản, giúp Lê Thuận Uyên tìm được thêm 2 cuốn băng quay về Điềm Phùng Thị năm 1997. Những nghiên cứu như vậy là không thể né tránh nếu muốn làm nghề giám tuyển.
Một vấn đề khác của công tác giám tuyển chính là truyền thông qua các bài viết của các giám tuyển. Theo nhà nghiên cứu Bùi Kim Đĩnh, giám tuyển có thể viết rất nhiều loại văn bản như nhãn chú thích cho trưng bày, tiểu luận, các bài giới thiệu trưng bày… Và điều quan trọng nhất cho các bài viết này là khả năng tiếp cận công chúng.
Theo bà Đĩnh, thậm chí với các nhãn ở trưng bày còn cần đáp ứng sự tiếp cận của đối tượng từ trẻ nhỏ đến bố mẹ, ông bà chúng. "Công chúng là người đến xem, làm thế để thông tin đến được với công chúng", bà Đĩnh nói.
Bình luận (0)