Đứng trên đường nối từ trung tâm xã Vạn Ninh với đường Hồ Chí Minh, dù cách xa mấy cây số nhưng vẫn nhìn thấy luồng khí thải khổng lồ từ những ống khói của Nhà máy xi măng Áng Sơn có công suất 8,2 vạn tấn/năm. Cây cỏ dọc hai bên con đường bị bụi bám đầy không lớn nổi. Càng đi sâu vào trong, mức độ ô nhiễm càng trầm trọng. Kinh khủng nhất là trên con đường chạy ngang trước cổng nhà máy, hàng chục chiếc xe tải, xe bồn hạng nặng chở đá nghiền nối đuôi nhau từ mỏ đá về, cuốn bụi tung mù mịt, tỏa ra bao trùm lấy khu dân cư rộng lớn. Thời gian gần đây, ngoài lượng xe chở nguyên vật liệu sản xuất xi măng, còn có thêm xe thi công Nhà máy xi măng Áng Sơn 2 nằm trong khuôn viên nhà máy cũ và 1 nhà máy của công ty tư nhân khác. Chỉ vài năm nữa, khu vực này sẽ có 3 nhà máy xi măng. Môi trường sống của các hộ dân trên đoạn đường này càng bị đe dọa nghiêm trọng và người dân trong khu vực vẫn phải thường xuyên đi qua đoạn đường này.
Hoạt động 14 năm nay nhưng Nhà máy xi măng Áng Sơn không nâng cấp nổi con đường dài 2 km từ mỏ đá, trạm nghiền về nhà máy, nhất là đoạn đi qua khu dân cư và họ cũng chưa bỏ ra một đồng nào để hỗ trợ độc hại cho người dân. |
Bà Bùi Thị Thé phản ánh: "Tôi sống ở đây từ năm 1992, từ khi có nhà máy xi măng đến giờ, cuộc sống người dân bị đảo lộn, sức khỏe giảm sút, thậm chí có một số người đã chết vì bệnh lao phổi. Cứ khi nào bụi vào nhà là tôi nôn liên tục bởi cái mùi khói khét mang theo bụi đá từ nhà máy. Đóng cửa nhà thì ăn thua gì!". Bà Phạm Thị Kê nói thêm: "Thế hệ chúng tôi đã già, giờ sống được ngày nào hay ngày đó nhưng phải thương lấy bọn trẻ chứ. Cứ ra đường là mắt dính đầy cát, trong miệng, trong họng cũng có cát, quanh năm suốt tháng đối mặt với bụi, ăn cũng với bụi. Nguyện vọng của dân chúng tôi là di dời đến nơi khác và làm đường cho khỏi bụi".
Ông Mai Thanh Tình - Bí thư chi bộ thôn Áng Sơn cho biết: "Từ khi có nhà máy xi măng lò đứng này thì cả thôn chúng tôi sống trong ô nhiễm. Thêm nữa, hệ thống thoát nước ở đây bị nhà máy bít nhỏ lại nên hễ mưa xuống là toàn bộ khu dân cư chìm trong nước như lụt. Sau nhiều lần kiến nghị, mới đây họ đã thỏa thuận sẽ làm cống thoát nhưng mấy tháng trôi qua, họ vẫn không có động tĩnh gì".
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Đặng Gia Hạnh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cosevco 6 (đơn vị chủ quản của Nhà máy xi măng Áng Sơn) thừa nhận có sự ô nhiễm nhưng chống chế: "Chúng tôi đang thiết kế làm đường nhưng chưa xong, chuyện này xảy ra ngoài ý muốn, phải làm dần vì kinh phí khó khăn. Và đã cho khắc phục ô nhiễm nhiều như phun nước trên đường, lắp thêm hệ thống xử lý khói thải trong nhà máy". Dù có hệ thống xử lý nhưng người dân phản ánh không mấy khi công nhân vận hành nó vì... để "tiết kiệm" điện tiêu thụ.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)