Kể từ 0 giờ ngày 5.7, người dân từ vùng dịch khi đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng... làm việc, vận chuyển hàng hóa, phải có giấy xét nghiệm (GXN) âm tính với Covid-19 trong vòng 3, 7 ngày (tùy nơi) từ ngày có kết quả xét nghiệm.
|
Đổ xô đi làm “giấy thông hành”
Ngày 5.7, ghi nhận thực tế, nhiều người dân ở TP.HCM, Bình Dương đã không thể vào Đồng Nai làm việc vì không xuất trình được GXN âm tính với Covid-19. Anh Hồ Văn Lắm (làm nghề thợ hồ, sống tại TP.Thuận An, Bình Dương bị chặn lại tại chốt kiểm dịch chân cầu Đồng Nai) buồn bã nói: “Giờ không cho qua thì tôi về thôi, có thể hôm nay về làm GXN để mai được đi làm”.
Trước đó, ngày 3 và 4.7, hàng ngàn người dân đã đổ xô đến các bệnh viện và trung tâm y tế ở Đồng Nai xét nghiệm Covid-19 để lấy “giấy thông hành” đến TP.HCM, Bình Dương làm việc. Việc tập trung đông người dẫn đến một số nơi bị quá tải, không đảm bảo khoảng cách, tuân thủ đúng 5K, tạo nguy cơ lây nhiễm cao, buộc chính quyền phải điều lực lượng công an, dân quân đến nhắc nhở, xử lý.
Còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 12 giờ ngày 5.7, tỉnh này đã yêu cầu các chốt kiểm tra khai báo y tế trên QL51, 55 và 56 kiểm tra tất cả người dân từ tỉnh khác vào địa phương này phải có GXN âm tính Covid-19. Trên QL51, hướng từ tỉnh Đồng Nai đi Bà Rịa-Vũng Tàu, đoạn P.Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ), tỉnh đã tổ chức 3 chốt kiểm tra khai báo y tế. Theo ghi nhận của PV, đầu giờ chiều 5.7, tại chốt kiểm tra khai báo y tế, các xe hàng, đầu kéo phải dừng lại để lái xe khai báo y tế, xuất trình GXN âm tính Covid-19. Việc dừng xe tại đây khiến QL51 kẹt cứng về hướng tỉnh Đồng Nai.
Âm tính, vẫn phải tuân thủ 5KThứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR. Tuy nhiên, dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không có nghĩa là tuyệt đối an toàn, mọi người dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.
|
Các trường hợp lái xe không có GXN đều xin đóng tiền để được kiểm tra nhanh Covid-19. Kết trả kiểm tra nhanh là 30 phút. Lực lượng y tế tại chốt này hơn 10 người phải làm việc hết công suất để phục vụ việc kiểm tra nhanh Covid-19 cho lái xe. Tại chốt thứ hai, nhiều lái xe ô tô không có GXN âm tính buộc phải quay đầu.
Về “giấy thông hành” này, ông Trần Đức Khánh (chủ nhà xe chạy tuyến Nha Trang - Lâm Đồng) than phiền, để bảo đảm vận chuyển hàng hóa từ Nha Trang lên Lâm Đồng mỗi ngày ông phải sử dụng 3 lái xe để thay phiên nhau. Do đó mỗi lần thay lái xe đều phải đến CDC Lâm Đồng làm xét nghiệm nhanh Covid-19 (ở Lâm Đồng GXN nhanh chỉ có giá trị trong 3 ngày), có nghĩa mỗi chuyến xe tăng chi phí lên 238.000 đồng so với trước khi dịch bùng phát, chưa kể giá xăng dầu gần đây liên tục tăng...
|
Mỗi nơi một kiểu
Cùng ngày, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Dĩ An (địa phương đầu tiên ở Bình Dương yêu cầu người đến làm việc phải có GXN âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày, số ngày thấp nhất so với các tỉnh, thành khác - PV), cho hay theo yêu cầu từ Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Bộ Y tế thì GXN Covid-19 trong thời hạn 3 ngày là tốt nhất và an toàn nhất. Tương tự, tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng quy định GXN Covid-19 trong thời hạn 3 ngày. Nhưng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 5 ngày và Đồng Nai là 7 ngày.
Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Văn Bảy nói: “Ban đầu chúng tôi cũng đề xuất là 5 ngày, nhưng thông qua các cuộc họp với UBND tỉnh, Bộ Y tế thì có sự đánh giá là trong thời gian 5 - 7 ngày kết quả xét nghiệm Covid-19 không đảm bảo sự an toàn. Do đó chúng tôi áp dụng là 3 ngày. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn ổn, chúng tôi sẽ đề xuất nới lỏng hiệu lực của GXN lên 5 - 7 ngày. TP.Dĩ An chỉ yêu cầu có GXN test nhanh hay PCR đều được, không nhất thiết phải do CDC của tỉnh, thành đó cấp”.
Trước ý kiến cho rằng việc xét nghiệm Covid-19 để lấy “giấy thông hành” vừa gây tốn kém, phiền hà cho người dân và không hiệu quả vì “hôm nay xét nghiệm âm nhưng ngày mai có thể nhiễm, hơn nữa các chốt kiểm soát cũng không thể chặn kiểm tra hết tất cả phương tiện qua lại”, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, khẳng định không có biện pháp chống dịch nào tối ưu 100%. Quy định phải có GXN âm tính với Covid-19 của Đồng Nai cũng vậy, nhưng sẽ hạn chế được dịch bệnh.
Khai báo y tế đã có sẵn mã QRThứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định về mặt công nghệ, tất cả người dân đều đã được cấp mã QR qua các ứng dụng như khai báo y tế hay Bluezone, NCOVI. Người dân chỉ cần quét điện thoại chứa mã QR khi đi qua các điểm kiểm soát. Trong vòng 24 giờ tới, Bộ TT-TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin vào mã QR cá nhân.
|
Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho rằng quy định xét nghiệm và đi lại liên tỉnh, nếu nói xét nghiệm âm tính rồi đi lại đâu đó vài ngày là an toàn cho nơi họ đến là không chính xác. Bởi, về lý thuyết, nếu xét nghiệm đúng âm tính chỉ nói rằng giá trị xét nghiệm khẳng định từ khi lấy mẫu trở về trước là không lây (cho người khác). Còn ngay sau lấy mẫu vẫn có thể chuyển dương bất cứ lúc nào. Nhưng quy định của nhà quản lý giá trị của xét nghiệm cao nhất là thời gian 2 ngày cũng chỉ là cho an tâm.
Ngoài ra, còn tùy vào loại xét nghiệm mà nó còn cho ra âm giả, dương giả (cũng còn tùy người mới bệnh, đang bệnh hay sắp hết bệnh). Do đó, cái chính không phải là xét nghiệm mà suốt quá trình đi lại luôn 5K, người đi qua tỉnh khác khi dừng xe và đặc biệt khi giao hàng bảo đảm an toàn khi tiếp xúc. Bộ Y tế phải có quy định cần thiết liên quan đến việc này.
Nói về việc số hóa kết quả xét nghiệm, ví dụ như một người xét nghiệm sẽ cấp được 1 mã số như mã QR, để họ có thể đi bất cứ đâu thì quản lý nào cũng kiểm tra được, để ứng xử phù hợp, theo bác sĩ Khanh đó là lý tưởng.
|
Sẽ mã hóa QR
Ngày 5.7, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với lãnh đạo TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng, phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca nhiễm. Ông Đam đặc biệt lưu ý đối với người dân có nhu cầu đi lại, TP phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân...
“TP.HCM, Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thống nhất, sớm hoàn thành hướng dẫn về các biện pháp kiểm soát liên quan đến hoạt động đi lại, có thời gian thông báo ít nhất trước 24 tiếng đồng hồ cho người dân”, ông Đam nói, đồng thời yêu cầu Bộ TT-TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra, vào vùng dịch.
Bình luận (0)