(TNO) Hồi đó, tôi gầy gò nên có vẻ là gò má hơi cao, chỉ hơi thôi, nhưng cả nhà chồng không thích, mang từng đường nét của tôi ra soi cẩn thận.
Tôi nhìn lại mình, cay đắng hiểu ra, bao nhiêu cố gắng, vun vén, chăm chút cho cuộc sống chung chẳng là gì so với cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của thiên hạ - Ảnh minh họa: Shutterstock |
Nào là không thắt đáy lưng ong, mông chẳng nở, sợ là khó sinh con. Nào là vóc dáng lẫn giọng nói đều nhỏ, làm sao mà cáng đáng nổi gia đình, nuôi dạy con? Nào là rụt rè nhút nhát vậy, chưa chắc đã kiếm nổi việc làm cho ra hồn để mà sinh sống…
Ừ thì nhà chồng… trí thức, như lời tự hào của mẹ anh lúc tôi qua thăm chơi, nên tôi cũng cố gắng mà nhập gia tùy tục. Tôi về làm dâu trong cảm giác bằng mặt không bằng lòng của gia đình chồng, dù chẳng có lý do gì cho rõ rệt. Ngay bữa đầu tiên tôi đã được giáo huấn bằng những câu từ đao to búa lớn, ong ong thành ngữ, Hán nôm… đủ cả. Hai người chị chồng tuy đi làm công nhân may, nhưng cũng cực kỳ sính chữ. Con trai đầu lòng của tôi, mỗi khi làm được cái gì hay, giỏi là đều được khen, đúng là “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Tôi im lặng không nói gì, cũng như lúc giả tảng chẳng nghe câu chì chiết rằng, “rau nào sâu nấy” lúc thằng bé nghịch phá, lỡ tay làm đổ vỡ cái gì đấy… Thôi thì một sự nhịn chín sự lành.
Lần thứ hai, tôi sinh đôi, thêm hai thằng con trai nữa. Nhà chồng lời ra tiếng vào, rằng tam nam bất phú. Hèn chi cứ nghèo mạt hoài. Tôi thở dài, tự hỏi vì đâu mà phải khắc nghiệt từng lời với nhau như thế, khó khăn nào cũng bởi do lỗi lầm của tôi là chẳng biết đẻ, thật ư? Liên quan gì đâu với cuộc sống bao nỗi lo toan của mấy mẹ con tôi, mà chồng thì hay chê việc nặng lương thấp, không xứng tầm, chỉ muốn bay nhảy dông dài? Hay bởi tôi một nách ba đứa trẻ, ngoài giờ đi làm về phải tự mình chăm nom cho chúng, cộng thêm hàng núi việc không tên của nhà chồng? Làm sao có thể kham cho hết nổi, để chồng chu toàn “đàn ông trị quốc bình thiên hạ” như lời mẹ chồng khẳng khái bênh vực con trai? Tại em dâu sinh nở chẳng lo canh cữ, nên mới không hạp tuổi hạp ngày, tí ngọ mẹo dậu tứ hành xung, nói sao gia đạo không bất hòa, lục đục, khó ngóc đầu lên nổi. Tôi cắn chặt môi quay đi, không muốn mình phải buột miệng nói ra câu bất mãn rằng, chẳng thể nào tự dưng mà khá nổi đâu, nếu cứ ngồi đấy… xổ nho chùm, chê bai chỉ trích, mà cố tình quên mất những vất vả, khổ nhọc, chịu đựng của người khác. Nhưng may thay, cuối cùng tôi vẫn kềm lại được…
Gái có công, chồng vẫn phụ! Lần này là tôi cải biên lời ông bà cho đúng với thực tế gia đình mình. Đó là khi tôi biết, anh đang “ngưỡng mộ” cô đồng nghiệp mặn mà. Cũng đúng thôi, đẹp đẽ thơm tho ai mà chẳng mê. Mình là đàn bà, nhìn qua còn thấy thích nữa là. Thế gian ai yêu nổi người phụ nữ lúc nào cũng xộc xệch vội vã, đầu tắt mặt tối, bơ phờ chẳng thấy nụ cười đâu. Nói theo ngôn ngữ của chị em bên chồng là “gái ba con trông lòi con mắt”, nên trả trách chi chồng chán, chồng chê, chồng bỏ mặc… Tôi nhìn lại mình, cay đắng hiểu ra, bao nhiêu cố gắng, vun vén, chăm chút cho cuộc sống chung chẳng là gì so với cái vẻ hào nhoáng bên ngoài của thiên hạ. Nên đừng phí hoài công sức nữa làm chi.
Lần này tôi cương quyết buông tay, tìm tự do cho mình và ba đứa con trai tội nghiệp. Nhà anh cao sang quá, em với không tới, đũa mốc thật sự chẳng nên học đòi cái việc vọc mâm son. Anh chưng hửng ngó người vợ bấy lâu đơn giản mộc mạc bên cạnh mình, nay cũng đã biết dùng “chữ nghĩa” để mà nói lên sự chua chát của phận người. Thôi thì anh ráng tìm ai xứng tầm để mà nâng khăn sửa túi cho mình, anh nhé!
Tôi đi. Gần như là tay trắng sau từng ấy năm làm dâu, làm vợ. Thôi thì đàn bà mười hai bến nước, cũng đành…
Bình luận (0)