Khổ vì nhà máy gỗ

17/03/2016 11:00 GMT+7

Khói và mùi hôi từ Nhà máy gỗ MDF VGR Quảng Trị (P.Đông Lương, TP.Đông Hà) đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân và cán bộ sở, ngành địa phương.

Khói và mùi hôi từ Nhà máy gỗ MDF VGR Quảng Trị (P.Đông Lương, TP.Đông Hà) đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân và cán bộ sở, ngành địa phương.

Hằng ngày Nhà máy gỗ MDF VGR-Quảng Trị là nỗi ám ảnh cho cán bộ, bệnh nhân tại phía nam TP.Đông Hà
 - Ảnh: Nguyễn Phúc
Hằng ngày Nhà máy gỗ MDF VGR-Quảng Trị là nỗi ám ảnh cho cán bộ, bệnh nhân tại phía nam TP.Đông Hà - Ảnh: Nguyễn Phúc
Nhà máy gỗ này thuộc Công ty CP gỗ MDF VGR- Quảng Trị là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (tập đoàn nắm giữ 95% cổ phần), được đưa vào vận hành từ năm 2005. Từ 3 năm trở lại đây, khi tỉnh chủ trương phát triển về phía nam TP.Đông Hà, hàng loạt trụ sở của các cơ quan Nhà nước được bố trí về đây. Cụ thể, ngoài Sở Công thương, Công ty Cao su, Cục Thuế, báo Quảng Trị, Viện KSND tỉnh đã “đóng đô” khá lâu thì mới có thêm Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, các cơ quan như: Công an, Bộ chỉ huy BĐBP, Bộ chỉ huy Quân sự... Và tương lai tiếp tục có thêm Sở NN-PTNT.
Khu công nghiêp và bệnh viện nằm sát nhau là bất cập
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị). Bà Linh cho rằng năm 2004 KCN nam Đông Hà được Thủ tướng đồng ý thành lập (nay đã lấp đầy với 99 ha, trong đó có Nhà máy gỗ MDF) và đến năm 2007, UBND tỉnh có quy hoạch khu đô thị nam Đông Hà. Bà Linh lý giải rằng vào thời điểm lịch sử 2004, việc đặt KCN nam Đông Hà như trên là phù hợp vì lúc này dân rất ít. Nhưng hiện nay do sự phát triển của dân cư và các trụ sở nên xảy ra bất cập. Cũng theo bà Linh, trong tương lai nhiều khả năng sẽ di chuyển các nhà máy gây ô nhiễm môi trường ra ngoài, để KCN nam Đông Hà trở thành... KCN sạch.
Đến lúc này, nhiều CB-CNV bị tra tấn và ám ảnh bởi ống khói xả liên tục cùng mùi hôi của nhà máy. “Tôi không rõ trong khói đó có thành phần gì, độc hại ra sao, ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? Nhưng với cái mùi hôi đó, với hình ảnh khói xịt vào không khí như thế, ai dám chắc nó an toàn”, một cán bộ (xin giấu tên) chia sẻ. Đáng ngại nhất là các y bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân của Bệnh viện Đa khoa Quảng trị (khi chỉ cách nhà máy chừng 500 m), hầu như ngày nào cũng bị “tra tấn” bởi mùi hôi từ nhà máy. Khi được hỏi, bác sĩ, nhân viên y tế ai cũng lắc đầu ngao ngán. Còn anh Đình Long (người nhà bệnh nhân) huỵt toẹt: “Chữa bệnh bên này mà khói bên kia, chịu chi nỗi. Tôi thấy lo cho bệnh nhân”.
Dân kêu có, sở bảo không?
Mang câu chuyện này lên Sở TN-MT Quảng Trị, ông Nguyễn Trường Khoa, Phó giám đốc sở cho rằng: “Cái khói bốc lên đó không phải là khói mà chỉ là... hơi nước!”. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc: “Đúng là trong quá trình sấy gỗ thì có mùi thật”. cũng theo ông Khoa, trước đây nhà máy này có sử dụng một loại keo trong quá trình sấy gỗ, gây cay mắt nhưng bây giờ không còn sử dụng nữa. Số liệu kiểm tra tổng thể về môi trường của nhà máy gỗ mà sở thực hiện vào năm ngoái vẫn đảm bảo các chỉ số tiêu chuẩn. “Không thấy đơn thư nào phản ánh gửi lên sở. Còn bệnh viện ở sát đó cũng không nghe nói gì” ông Khoa nói tỉnh bơ. “Theo lộ trình, khi dây chuyền 2 của nhà máy ở Khu công nghiệp Quán Ngang (H.Gio Linh) đi vào hoạt động thì dây chuyền 1 ở trong này sẽ tạm ngừng 6 tháng để tiến hành đại tu, sửa chữa, giải quyết các vấn đề môi trường nếu có”, ông Khoa cho biết thêm.
Chính vì những nghịch lý “bên nói có, cơ quan quản lý nói không” như vậy mà suốt nhiều năm qua người dân sống xung quanh nhà máy phải cay đắng sống cùng ô nhiễm...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.