Khó xác định ngành nghề độc hại

29/03/2012 03:42 GMT+7

Nghị định 49 của Chính phủ quy định học sinh, sinh viên một số chuyên ngành nặng nhọc, độc hại được giảm 70% học phí.

Nghị định 49 của Chính phủ quy định học sinh, sinh viên một số chuyên ngành nặng nhọc, độc hại được giảm 70% học phí.

Quy định này áp dụng từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Tuy nhiên các văn bản hướng dẫn đi kèm lại rất chung chung, gây lúng túng cho các trường trong việc xác nhận đối tượng này.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành nhiều quyết định tạm thời về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm dựa theo điều kiện lao động. Thế nhưng các trường cho rằng rất khó khăn trong việc xác định ngành đào tạo nào của trường thuộc nhóm nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

 
Lập trình máy tính cũng thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại - Ảnh: H.Ánh

Thạc sĩ Nguyễn Anh Đức - Trưởng phòng Công tác học sinh-sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “So sánh giữa danh mục tên nghề hoặc công việc mà các văn bản hướng dẫn với chương trình đào tạo của các ngành tại trường thì chỉ có một số môn học liên quan với nhau về mức độ nặng nhọc, độc hại, như: công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, công nghệ môi trường. Sinh viên các ngành trên có khi chỉ học một vài môn liên quan trong toàn khóa học, thực hành chỉ trong vài tuần. Như vậy, sinh viên học các ngành này tiếp xúc với môi trường nặng nhọc, độc hại là có thật nhưng không phải thường xuyên như văn bản hướng dẫn quy định. Do vậy, việc xác nhận sinh viên học các ngành trên thuộc diện ngành nghề độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc là rất khó khăn”.

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường - Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng băn khoăn: “Văn bản hướng dẫn cũng chưa cho thấy môi trường nặng nhọc, độc hại ở đây là thời gian các em học tập tại trường hay là quá trình làm việc sau này. Nếu căn cứ vào thời gian học tập tại trường thì cũng chưa đủ, mà quy về thời gian làm việc sau khi tốt nghiệp cũng chưa chắc. Bởi lẽ, các ngành đào tạo bậc ĐH theo hướng đa ngành, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó có loại công việc thuộc nhóm các ngành nghề độc hại, nặng nhọc, có khi lại không. Nếu giảm học phí khuyến khích sinh viên là tốt, nhưng việc ràng buộc công việc sau khi tốt nghiệp ra trường với các sinh viên đã hưởng chế độ ra sao?”.

Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Đức do thông tư hướng dẫn chưa rõ ràng nên cách giải quyết trước mắt là trường cứ xác nhận cho sinh viên đang học tại trường về ngành nghề có liên quan đến nhóm công việc độc hại, sau đó sinh viên về địa phương để nơi này giải quyết nhận lại mức học phí được giảm. Cũng theo ông Đức: “Vấn đề mong muốn hiện nay của các trường là có những hướng dẫn thực sự cụ thể để không mất quyền lợi sinh viên, đồng thời thuận tiện cho công việc xác nhận của trường”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.