Ngày 21.1, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, năm 2024, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tiếp nhận tin báo và thụ lý giải quyết 61 vụ tai nạn lao động (các vụ này làm chết 63 người và 5 người bị thương).
Tai nạn lao động chết người xảy ra chủ yếu trong xây dựng
So sánh với cùng kỳ năm 2023, số vụ chết người tăng 9 và số người bị thương giảm 6. Trong đó, TP.Thủ Đức xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nhất (19 vụ). Theo sau là H.Bình Chánh (8 vụ), Q.Bình Tân (4 vụ), Q.Tân Phú (4 vụ) và Q.7 (4 vụ).
Qua phân tích, có tới 37/63 vụ tai nạn lao động thuộc lĩnh vực xây dựng (chiếm gần 59%); lĩnh vực thương mại, dịch vụ có 12/63 vụ, sản xuất công nghiệp có 9/63 vụ, còn lại thuộc khối hàng hải, giáo dục.
Đáng lưu ý, hiện nay số vụ tai nạn lao động xảy ra tại các công trình xây dựng do nhà thầu tư nhân không có pháp nhân thi công có xu hướng tăng. Các nhà thầu này thường không hợp tác, thậm chí chống đối, dẫn đến việc điều tra kéo dài.
Trong năm 2024, Đoàn điều tra tai nạn lao động ở TP.HCM đã kết luận 53 vụ tai nạn lao động và đã kiến nghị khởi tố, chuyển hồ sơ 11 vụ cho cơ quan cảnh sát điều tra. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã xử phạt hành chính 42 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM về kết quả thực hiện các kết luận điều tra, gia đình của nạn nhân đều được hưởng chế độ bằng hoặc cao hơn quy định của bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra ở một số quận, huyện chưa cung cấp hồ sơ đúng thời hạn quy định, làm ảnh hưởng đến thời hạn điều tra.
Điển hình là trong năm 2024, có 43/61 vụ tai nạn lao động phải gia hạn thời gian điều tra (có 6 vụ đã hết thời hạn gia hạn) nhưng Đoàn điều tra tai nạn lao động vẫn chưa nhận được đầy đủ hồ sơ (như biên bản khám nghiệm hiện trường, kết luận giám định pháp y tử thi nạn nhân…) từ cơ quan cảnh sát điều tra.
Do đó, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM kiến nghị Công an TP.HCM chỉ đạo công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức đảm bảo cung cấp hồ sơ đúng thời hạn theo quy định.
Thách thức xử lý các vụ tai nạn lao động trong khu vực phi chính thức
Trước đó, vào ngày 16.1, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 05/2023 của UBND TP.HCM về tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn.
Theo báo cáo này, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá một số doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa tuân thủ nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các quy định còn mang tính đối phó.
Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, chưa cấp phát đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân.
Đáng lưu ý, nhiều loại hình kinh tế phi chính thức mới hình thành như "kinh tế tuần hoàn", "kinh tế chia sẻ", "kinh tế tự do" dựa trên các nền tảng trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ (bán hàng trực tuyến, giao hàng, lái xe công nghệ…).
Số lượng người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức ngày càng lớn, kéo theo xu hướng gia tăng các vụ tai nạn lao động không theo hợp đồng lao động.
Các trường hợp này không có chủ thể sử dụng lao động, khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc giải quyết, xử lý theo quy định.
Cũng theo đánh giá của Sở LĐ-TB-XH, việc giải quyết chế độ an sinh xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực này cũng đang gặp nhiều trở ngại, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
Bình luận (0)