(iHay) Không ngại ngần công khai việc bán hàng nhái nhưng những phát ngôn sốc gần đây của Ngọc Trinh khi bị tố ăn cắp mẫu thiết kế một lần nữa báo động thực trạng thờ ơ với quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Chuyện thường ngày từ showbiz đến cuộc sống
Trước bức ảnh so sánh mẫu trang phục của mình và mẫu trong cửa hàng của nhà thiết kế (NTK) Huy Trần gần như giống hệt nhau từ kiểu dáng đến màu sắc, Ngọc Trinh vẫn thản nhiên đáp trả thiết kế này cô sao chép của Victoria Beckham chứ không phải là NTK trong nước như lời tố: “90% đồ của shop là Trinh sao chép từ thương hiệu của các NTK nổi tiếng trên toàn thế giới, hoặc sẽ có một số mẫu sao chép lại từ NTK trong nước nếu khách gửi hình yêu cầu. Trinh biết khi nói ra như vậy sẽ có người nói đây là ăn cắp bản quyền hay chất xám gì đó. Nhưng đó là ở nước ngoài, ở Việt Nam cái chuyện đó diễn ra hằng ngày như cơm bữa, chỉ tùy theo người ta có thể hiện phô ra như Trinh hay là copy xong khéo léo sửa lại thêm thắt rồi nhận là thiết kế của mình?”.
Ngay trong làng thời trang Việt không ít lần chính những NTK nổi tiếng cũng vướng phải nghi án đạo nhái ý tưởng mà lần ồn ào nhất là hồi đầu năm 2014 khi Mỹ Tâm diện một bộ vest đen trắng lạ mắt của NTK trẻ Công Tín lên sóng chương trình Vietnam Idol. Ngay sau đó nhiều người phát hiện thiết kế này có nhiều điểm tương đồng với một sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng Viktor & Rolf. Trước sức ép rất lớn của khán giả, NTK Công Tín đã đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm và chính Mỹ Tâm cũng công khai xin lỗi người hâm mộ.
Không chỉ trong làng thời trang hay giới giải trí, dần dà việc sao chép mẫu thiết kế nổi tiếng để làm ra những sản phẩm rẻ tiền hơn bán tràn lan ngoài thị trường đã trở thành chuyện "dĩ nhiên" ở Việt Nam.
“Quy định cụ thể nhưng chưa thực hiện triệt để”Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ví dụ: Trên thị trường hiện nay, chúng ta dễ dàng mua được những bộ quần áo nhái thương hiệu lớn với giá chỉ khoảng trên 100.000 đồng/áo. Trong khi đó, những sản phẩm trên nếu là hàng chính hãng thì giá trên thị trường gấp 9-10 lần. Tuy nhiên, những việc này diễn ra tương đối bình thường cho chính người sản xuất đến nhà cung cấp và người tiêu thụ.
Theo qui định của pháp luật hiện nay thì: Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp phát hiện vi phạm thì có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm đó đến các cơ quan chức năng. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp phát hiện vi phạm thì có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm đó đến các cơ quan chức năng. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
Như vậy, có thể thấy hiện nay qui định của pháp luật để điều chỉnh các hành vi này là tương đối cụ thể. Nhưng vấn đề truyền tải thông tin hay các biện pháp chế tài chưa được thực hiện triệt để nên vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm”, LS Thảo nêu.
Còn LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định tại khoản 1 điều 6 luật Sở hữu trí tuệ về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Theo khoản 6 điều 28 luật Sở hữu trí tuệ thì hành vi “Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 điều 25 của luật này là một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả”.
LS Chánh cho rằng, tùy mức độ vi phạm mà người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể: Phạt tiền từ 15 đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Tuy nhiên LS Chánh cũng khẳng định: “Trong các trường hợp đã xảy ra việc xử phạt hành chính không hề đơn giản vì khó chứng minh là sao chép hay làm nhái, chỉ khi tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả yêu cầu xử lý. Như trường hợp Ngọc Trinh thì tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả ở nước ngoài nên họ chỉ có thể thông qua tổ chức đại diện quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam thực hiện việc bảo hộ thôi”.
Như Ý - Ngọc Lê
>> Ngọc Trinh: 'Tôi không có khả năng thiết kế thì phải bán hàng copy'
>> Ngọc Trinh diện đầm siêu gợi cảm nhận giải ở Hàn Quốc
Bình luận (0)