Khoa học công nghệ theo nguyên tắc thị trường

19/02/2025 04:16 GMT+7

Việc thúc đẩy khoa học công nghệ là một trong những động lực để đất nước phát triển trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay.

Thế nhưng, như giới chuyên môn lẫn dư luận đã nhiều lần thẳng thắn chỉ ra, thì việc phát triển khoa học công nghệ ở VN vẫn còn rất nhiều bất cập như: người tham gia nghiên cứu không nhận được thu nhập tương xứng nên còn khó thu hút nhân tài, việc phân bổ đề tài nghiên cứu chưa hợp lý, nhiều đề tài sau khi hoàn thành thì bị "nằm kho" vì không mang lại nhiều giá trị cho thực tế…

Quy lại các vấn đề vừa nêu thì hầu như thiếu các nguyên tắc vận hành của một thị trường.

Nhìn sang các nước phát triển, có thể thấy việc nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) mang tính thực dụng cho nền kinh tế rất cao và khu vực phát triển nhất vẫn là tư nhân, các đại học, viện nghiên cứu. Điển hình, các ứng dụng đột phá về trí tuệ nhân tạo gần đây của Mỹ, Trung Quốc chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là nhóm khởi nghiệp. Tại các đại học, cơ sở nghiên cứu thì việc nghiên cứu KHCN gắn chặt với khối doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa kết quả nghiên cứu khi ứng dụng, nhân rộng.

Một lần tham quan thực tế tại Học viện Công nghệ Georgia (thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ) - một trong những cái nôi đào tạo KHCN hàng đầu của Mỹ, người viết được chứng kiến hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp về KHCN.

Để nhiều sản phẩm KHCN được phát triển mạnh mẽ, có tính ứng dụng cao thì hệ sinh thái vừa nêu hỗ trợ toàn diện không chỉ về hàm lượng KHCN cốt lõi, mà còn là về pháp lý để bảo vệ bản quyền và tránh vi phạm sở hữu trí tuệ của những đơn vị khác, rồi các nghiên cứu thị trường để có sản phẩm phù hợp thị trường cùng cơ hội nhanh chóng mở rộng. Hệ sinh thái như vậy được hình thành với sự tham gia của cả các công ty luật, các chuyên gia marketing, kinh doanh…

Trong khi đó, chính phủ và các thành phần trực thuộc chính phủ có thể đóng vai trò như khách hàng, đặt hàng các chương trình nghiên cứu, phát triển KHCN cho các doanh nghiệp, đại học, viện nghiên cứu. Tất cả tuân theo quy tắc thị trường. Chính phủ cũng có thể thực hiện những chương trình giảm thuế, nguồn vốn vay ưu đãi cho những đơn vị, cá nhân thực hiện nghiên cứu liên quan các lĩnh vực về KHCN mà chính phủ đang muốn đặt trọng tâm. Nhà nước chỉ nên tập trung vào các chính sách hỗ trợ và đặt ra mục tiêu cần đạt được, còn việc vận hành hay hoạt động thì như nguyên tắc thị trường để giúp thu hút các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp phù hợp, đạt kết quả đúng kỳ vọng.

Đó cũng là cách mà một số nước định hướng tập trung phát triển một số lĩnh vực nhất định, điển hình như Mỹ những năm qua có Đạo luật CHIPS và Khoa học với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỉ USD, trong đó hơn 50 tỉ USD dành riêng mảng chip bán dẫn. Những chương trình như vậy thu hút cả sự tham gia phát triển KHCN của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Chính vì thế, với nền tảng là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, VN cần đưa ra những chính sách thực sự đột phá, thuận theo nguyên tắc thị trường thì mới có thể mở ra bước ngoặt mới về nghiên cứu, phát triển KHCN nước nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.