Chuyến bay sơ tán được tổ chức miễn phí
Theo thông tin trước đó, có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Ukraine trước khi xung đột nổ ra. Tính tới tối 7.3, có khoảng 3.500 người Việt Nam tại Ukraine đã được sơ tán sang các nước lân cận.
Từ đây, các công dân người Việt sẽ được các cơ quan chức năng đưa về nước bằng đường hàng không theo nguyện vọng. Đây là các chuyến bay sơ tán nhân đạo được tổ chức miễn phí để đón bà con trở về.
Người Việt tại Ukraine sơ tán sang Hungary |
BỘ NGOẠI GIAO |
Sau chuyến bay Việt Nam88 đưa gần 300 công dân về nước ngày 8.3, hôm nay (9.3), chuyến bay mang số hiệu QH9066 của Hãng hàng không Bamboo Airways dự kiến chở 270 công dân khởi hành từ Warsaw (Ba Lan), hạ cánh tại sân bay Nội Bài sáng 10.3.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã trao đổi với các cơ quan ngoại giao của Ba Lan và Romania, đề nghị các nước này hỗ trợ nhân đạo, bố trí nơi ăn ở, chăm sóc y tế cho người Việt và gia đình sơ tán từ Ukraine sang Romania những ngày vừa qua; đồng thời đề nghị tiếp tục hỗ trợ các gia đình Việt Nam từ Ukraine sang Romania trong thời gian tới. Ông Sơn cũng đề nghị các quốc gia này xem xét cho người Việt có nguyện vọng được định cư lâu dài tại chỗ cho đến khi có thể quay trở lại Ukraine.
Nói về kế hoạch bảo hộ công dân và đưa người Việt tại Ukraine sơ tán trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, theo nhận định của Bộ Ngoại giao, chiến sự sẽ vẫn diễn ra trong những ngày tới. Do đó, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục đón tiếp công dân ở các nước và ghi nhận những yêu cầu của bà con để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
“Thời gian tới, trên cơ sở đăng ký nguyện vọng của bà con, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị lên Chính phủ, tổ công tác để tổ chức thêm các chuyến bay sơ tán công dân”, ông Hiệu nói.
“Chiến dịch” nhiều nét đặc biệt
Theo Thứ trưởng Hiệu, “chiến dịch” bảo hộ, sơ tán công dân lần này có những nét riêng và đặc biệt, dù đây không phải là lần đầu tiên chúng ta tổ chức chuyến bay sơ tán bà con với quy mô lớn. Trước đó, khi khủng hoảng ở Libya diễn ra, Việt Nam cũng đã tổ chức việc bảo hộ và sơ tán công dân, song “lần này có nét đặc thù”.
“Phần lớn bà con ta đã sống ở Ukraine trong thời gian dài, cũng đã có nhiều gắn bó với nước sở tại. Có người đang sinh sống, làm việc, kinh doanh lâu dài, có tài sản, sự gắn bó nhất định với đất nước Ukraine. Do đó khi chiến sự xảy ra, rất nhiều người cũng nghĩ là chưa chắc chiến sự ác liệt như thế”, ông Hiệu nói.
Tuy nhiên, ông Hiệu cho biết các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã liên tục khuyến cáo bà con; đưa ra thông báo, vận động bà con thông qua các hội đoàn, cho nên quyết định sơ tán của bà con thường vào các phút cuối. “Khi chiến sự ác liệt, chia cắt nhiều nơi, chúng tôi phải nỗ lực hết sức, trao đổi với chính quyền sở tại ở Ukraine và Nga tạo ra hành lang an toàn cho bà con di chuyển. Có một số rất ít bà con hiện nay vẫn ở lại trông coi tài sản, chúng tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc để hỗ trợ thêm”, ông Hiệu cho hay.
Bình luận (0)