Khoảng 30.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập sẽ về đâu ?

03/06/2020 07:08 GMT+7

Ngày 2.6, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2020 - 2021.

Từ đây học sinh tham khảo điểm chuẩn những năm trước, căn cứ vào thực lực học tập để chọn trường vừa sức.

Chỉ tiêu không biến động

Theo danh sách các trường THPT công lập thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD-ĐT công bố, tổng chỉ tiêu năm học 2020 - 2021 khoảng 66.500 học sinh (HS). Trong khi đó, TP hiện có 96.697 HS đang học lớp 9, dự kiến sẽ tốt nghiệp THCS vào cuối năm học 2019 - 2020. Như vậy, nếu 100% số HS lớp 9 nói trên đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập thì có thể sẽ có gần 30.000 HS không trúng tuyển.
Tuy nhiên, theo thống kê hằng năm, sau khi tốt nghiệp THCS, có khoảng 10.000 HS chủ động thực hiện phân luồng và vào học lớp 10 các mô hình trường khác như ngoài công lập, TCCN, trung cấp nghề... nên chỉ còn khoảng 80.000 thí sinh dự thi.
Vì vậy, nếu mất cơ hội trúng tuyển vào lớp 10 công lập, HS vẫn còn những cơ hội khác tiếp tục học lớp 10 ở các trường tư, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc kết hợp vừa học văn hóa vừa học nghề tại các trường trung cấp nghề, cao đẳng…
Từ công bố chỉ tiêu của Sở GD-ĐT cho thấy những trường có chỉ tiêu tuyển sinh cao là Trường THPT Marie Curie (Q.3) sẽ tuyển 1.265 HS, Trường THPT Hùng Vương (Q.5) tuyển 1.035 HS, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) 1.020 HS, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (Q.Gò Vấp) 900 HS...
So sánh với chỉ tiêu năm trước thì năm nay hầu như các trường không có biến động. Các trường chỉ tăng hoặc giảm trong biên độ 1 lớp và sau đó cân bằng chỉ tiêu số các trường trong cùng một quận. Chẳng hạn, trong Q.3, chỉ tiêu Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tăng 45 HS, Trường Marie Curie tăng 65 HS, Trường Nguyễn Thị Diệu giảm 90 HS...

Chọn trường sao cho trúng và đúng ?

Từ chỉ tiêu này, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Khương Ninh (Q.1), cho biết HS tham khảo điểm chuẩn của những năm trước, căn cứ vào thực lực học tập của bản thân để chọn trường vừa sức, thuận tiện di chuyển.
Từ số liệu này, HS cân nhắc năng lực học tập và nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT, cho biết HS lựa chọn 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 vào lớp 10 các trường công lập phù hợp với năng lực học tập của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi đã trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của TP.
Giáo viên Nguyễn Đức Uy, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), tư vấn năm nay là một năm đặc biệt nên HS, phụ huynh cũng cân nhắc kỹ khi lựa chọn trường phù hợp với năng lực cũng như tình hình thực tế. Vì HS tạm dừng việc học trong thời gian khá dài nên lượng kiến thức phần nào cũng ảnh hưởng đến việc chọn trường. Các em nên đặt nguyện vọng theo năng lực chứ không đặt theo sở thích và theo nhóm bạn. Năm nay, Sở yêu cầu HS không được chuyển trường khi đang học THPT nên việc đặt nguyện vọng của HS phải hết sức cân nhắc. Không còn tình trạng đặt nguyện vọng 3 vào 1 trường thấp nhất để học 1 năm rồi chuyển lại trường tốp trên.
Thầy Đức Uy tư vấn những HS có học lực giỏi nên đặt nguyện vọng 1 là các trường tốp đầu, tùy vào nơi cư trú. Ở khu vực Q.1, Q.3, Q.4, Q.5 có thể chọn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) hay Q.6, Q.8 thì chọn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6). Tương tự, những HS nhà ở khu vực Q.Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận có thể chọn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền...
HS học lực khá trở lên thì có thể chọn nguyện vọng 1 là các trường tốp 2 như Trường THPT Trưng Vương (Q.1), Lê Quý Đôn (Q.3), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận)...
Thầy Uy nói thêm tùy vào mức độ đề dễ hay khó của mỗi năm, mặt bằng điểm chuẩn thường chênh lệch khoảng 2 điểm. Vì vậy, năm nay, trước khi chọn nguyện vọng, HS nên tham khảo năng lực của mình bằng cách lấy điểm kiểm tra học kỳ 1 của 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và nhân theo hệ số của kỳ thi tuyển sinh, trừ hao khoảng 2 điểm. Từ đó có nhìn nhận chuẩn xác về năng lực học tập của bản thân rồi so sánh với điểm chuẩn của những năm gần đây xem nên chọn nguyện vọng vào trường nào.

Học các chương trình đặc biệt, chọn trường nào ?

Lãnh đạo Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT TP.HCM có lưu ý đối với HS đang theo học các chương trình tăng cường ngoại ngữ đặc biệt như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức…
Cụ thể, HS đã học tiếng Nhật tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) và Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) nếu muốn tiếp tục chọn tiếng Nhật khi lên lớp 10, cần đăng ký 3 nguyện vọng là 3 trường có tuyển sinh lớp 10 tiếng Nhật gồm THPT Lê Quý Đôn, Trưng Vương, Marie Curie.
HS đã học tiếng Đức tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) và Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1) nếu muốn tiếp tục chọn tiếng Đức khi lên lớp 10, cần đăng ký 3 nguyện vọng là 2 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1), Marie Curie (Q.3).
HS học tiếng Hàn tại Trường THCS Hoa Lư (Q.9) và Trường THCS Bình Thọ (Q.Thủ Đức) nếu muốn tiếp tục học tiếng Hàn khi lên lớp 10, cần đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Thủ Đức.
Đối với chương trình tiếng Anh tích hợp ở bậc THPT, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 980, tăng khoảng 200 và có thêm 4 trường nâng tổng số trường thực hiện chương trình lên thành 12 trường. Trong đó có một số trường bắt đầu tuyển sinh cho năm học mới là THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn)...
Vì vậy, với những HS đang học chương trình THCS tích hợp, nếu tiếp tục theo học chương trình này ở bậc THPT thì dự đoán “cửa vào lớp 10 rộng hơn”.
Tăng cơ hội vào trường chuyên
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường, lớp chuyên giữ ổn định như năm trước với 1.645 HS lớp chuyên và 270 HS lớp không chuyên ở 2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa. Tuy nhiên, trong chỉ tiêu một số trường cụ thể lại có sự thay đổi, chẳng hạn, năm trước Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là 525 HS thì năm nay tăng lên 595 HS và mở thêm lớp chuyên lịch sử, địa lý.
Còn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa giảm 70 chỉ tiêu so với năm học trước, trong đó giảm 35 chỉ tiêu ở lớp chuyên tiếng Anh, đồng thời trường không tổ chức lớp chuyên tin học như trước.
Ngày 5.6 công bố số liệu đăng ký nguyện vọng ban đầu
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, sau khi công bố chỉ tiêu lớp 10, HS chính thức nộp đơn, xác nhận đăng ký nguyện vọng tại trường THCS nơi đang học lớp 9. Dự kiến ngày 5.6, Sở sẽ công bố số liệu đăng ký nguyện vọng ban đầu của từng trường và HS có quyền thay đổi nguyện vọng từ ngày 5 - 12.6.
Ngày 15.7, thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 sẽ đến các điểm thi thực hiện các thủ tục dự thi và tham dự các môn thi trong 2 ngày 16 và 17.7 lần lượt các môn ngữ văn, tiếng Anh, toán và môn chuyên (nếu đăng ký dự thi lớp chuyên).
Về nội dung đề thi tuyển sinh năm 2020, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhiều lần khẳng định HS học chương trình đến đâu thì nội dung trong đề thi sẽ hỏi đến đó, không nằm ngoài những kiến thức đã học. HS cứ đảm bảo học chắc kiến thức trong chương trình và vận dụng kiến thức trong quá trình làm bài tập. Dù thời gian học của học sinh bị gián đoạn dài do dịch bệnh nhưng đề thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ không bị tác động về mặt cấu trúc, khối lượng kiến thức. Nội dung kiến thức trong đề thi vẫn có các mức phân hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.