"MỎ" CÁT LẬU TRÀN NGẬP THÔN SUỐI BANG
Trong nhiều ngày tìm hiểu nạn khai thác khoáng sản trái phép tại thôn Suối Bang (xã Thắng Hải, H.Hàm Tân, Bình Thuận), nhóm PV phát hiện "mỏ" cát lậu nằm tràn ngập nhiều nơi. Có nhiều "mỏ" cát đã bị khai thác trái phép từ hơn 10 năm để lại những hố sâu, rộng hàng chục ngàn mét vuông; cũng có khu vực đất đang bị khai thác lén lút với diện tích vài ngàn mét vuông.
Từ đường đất hướng cầu Mã Tiền đi đến khu vực núi Mây Tàu, giữa tháng 8.2023, nhóm PV theo con đường mòn, len lỏi qua cánh rừng tràm, thì phát hiện khu đất trống đã bị khai thác và một ao nước. Người dân cho hay khu đất này vừa ngừng khai thác vài tháng nay. Đến những ngày giữa tháng 8, nhóm "cát tặc" quay lại đắp một ao nổi, chuẩn bị hút cát trộm. Ngày 20.8, khi nhóm PV trở lại hiện trường thì phát hiện ao nổi này đã đầy tràn cát. Tại đây, có hệ thống ống nhựa cùng 2 máy bơm hút và tuyển rửa cát đưa lên ao nổi. Xung quanh bãi tuyển rửa cát là chằng chịt chai nhựa, dây võng do nhóm "cát tặc" và người cảnh giới để lại.
Qua phản ánh của PV Báo Thanh Niên, chiều 20.8, UBND H.Hàm Tân đã chỉ đạo UBND xã Thắng Hải vào hiện trường. UBND xã Thắng Hải đã lập biên bản ghi nhận thời điểm kiểm tra không phát hiện khai thác, nhưng phương tiện vẫn còn. Tại hiện trường (chưa xác định được chủ đất) có dấu vết vận chuyển khoáng sản ra bên ngoài. Ông Lê Đức, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, đã lập biên bản tạm giữ 2 máy bơm hút cát, các ống nhựa, ống bạc màu xanh…
Cách "mỏ" cát lậu này 200 m, hướng đi vào chốt lâm trường Suối Dứa có khu đất rộng khoảng 1 ha cũng đã bị khai thác cát từ lâu, hiện tại trở thành ao nước sâu từ 2 - 4 m. Tiếp tục đi bộ xuyên qua đám cây tràm thêm vài trăm mét thì đến một khu đất rộng hàng chục ngàn mét vuông khác cũng bị khai thác lấy cát. Hiện khu đất này đã trồng tràm. Ra lại đường đất hướng về núi Mây Tàu, nhóm PV tiếp cận một khu đất khác rộng vài héc ta cũng bị khai thác cát trước đó. Quan sát hiện trường, nơi đây vẫn còn in hằn dấu bánh xe cuốc, cho thấy nhóm "cát tặc" mới quay lại "mỏ" cát này để khai thác.
KHAI THÁC ĐẾN ĐÂU, TRỒNG KEO ĐẾN ĐÓ
Những ngày thâm nhập các điểm khai thác lậu trên địa bàn thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, nhóm PV Báo Thanh Niên phát hiện chiêu trò rất tinh vi của nhóm "cát tặc". Sau quá trình dài khai thác lậu, để qua mặt lực lượng chức năng, những người này "giấu hiện trường" bằng cách trồng cây keo (tràm) để phủ kín lớp bề mặt. Khoảng 1 năm sau, khi những cây keo này lớn dần thì nhóm "cát tặc" quay lại tiếp tục khai thác vị trí khác.
Nhiều ngày khảo sát, chúng tôi ghi nhận có trên 5 "mỏ" khai thác cát lậu ở thôn Suối Bang với diện tích hàng chục héc ta đất bị "rút ruột" đã được trồng tràm. Các "mỏ" cát này nằm dọc theo tuyến đường chính từ cầu Mã Tiền đến bãi tập kết, rửa cát ở sông Đu Đủ. "Người lạ không ai đến được những nơi khai thác cát lậu vì họ có cảnh giới rất nhiều. Thấy người lạ là những người cảnh giới bám đuổi theo rồi tiếp cận hỏi chuyện. Nếu nghi ngờ lực lượng chức năng hóa trang để kiểm tra là tất cả hoạt động khai thác cát trái phép lập tức dừng lại hết. Họ khai thác cát xoay tua ở các mỏ, nơi này khai thác vài tháng rồi đến nơi khác. Gần cả chục mỏ cát lậu được họ thay tua liên tục nên việc thay đổi địa điểm tránh được sự phát hiện của lực lượng chức năng", một người dân làm nông nghiệp ở thôn Suối Bang nói về chiêu trò trộm khoáng sản của nhóm "cát tặc".
Ngày 12.9, PV Báo Thanh Niên phối hợp với UBND xã Thắng Hải (H.Hàm Tân), do ông Phan Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND xã dẫn đầu, đến tận các "mỏ" khai thác cát lậu. Trước khi trở thành Phó chủ tịch UBND xã Thắng Hải, ông Sơn là Trưởng công an xã này nên đối với địa bàn thôn Suối Bang, ông "nắm rõ trong lòng bàn tay". Thế nhưng, ông Sơn tỏ ra bất ngờ vì những vị trí "cát tặc" khai thác khoáng sản mà nhóm PV dẫn đi. Ông Sơn gần như không biết hoạt động khai thác khoáng sản trái phép rầm rộ tại đây. Cả một buổi sáng, ông Sơn cùng cán bộ địa chính và Công an xã Thắng Hải chỉ biết được 1 điểm khai thác cát lậu đã ngừng hoạt động ("mỏ" cát này Báo Thanh Niên từng phản ánh trước đó). Ông Sơn cho biết, năm 2018, địa phương phát hiện nơi này đang khai thác khoảng 300 m3 cát và đã lập biên bản xử lý.
Nhóm PV Thanh Niên tiếp tục cùng đoàn kiểm tra đến khu đất rộng khoảng 10 ha (theo ông Sơn là đất lâm trường giao cho người dân trồng keo - PV) nằm gần bãi tập kết khoáng sản của Công ty TNHH đầu tư SX-TM-DV Tín Thành ở cạnh sông Đu Đủ thuộc xã Hòa Hiệp (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Từ những dấu vết gàu múc của xe cuốc còn in rõ trên mặt đất, PV đặt vấn đề có hay không nơi đây đã bị khai thác khoáng sản trái phép, sau đó trồng keo nhằm qua mặt lực lượng chức năng? Ông Sơn khẳng định trước đó địa điểm này đã được trồng tràm và vừa được thu hoạch, tiếp tục trồng đợt mới. Hiện trạng san hạ có thể do chủ đất muốn diện tích trồng keo được bằng phẳng, dễ canh tác nên đưa xe vào cào xới cho bằng phẳng. Địa phương cũng chưa nhận được phản ánh về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại đây.
PV hỏi về những đống phôi cát nằm gần khu vực trồng keo thì ông Sơn giải thích đây là cát được đưa từ nơi khác về, nhưng cụ thể đưa về từ đâu thì cần kiểm tra xác minh lại. Đối với việc giữa khu đất này có con đường kiên cố cho xe ben chạy vận chuyển cát, ông Sơn cho biết người dân làm đường để vào rẫy, còn người làm đường thì xã không nắm được thông tin.
Khi PV cung cấp tư liệu, hình ảnh cho đoàn kiểm tra về điểm khai thác khoáng sản lậu khác cũng với hình thức trồng keo nhằm qua mặt lực lượng chức năng, ông Sơn cho hay không xác định được địa điểm này. Nhóm PV sau đó đưa ông Sơn đến tận "mỏ" cát lậu này. Tại đây, đoàn công tác ghi nhận hiện trạng khai thác còn nham nhở, độ sâu khai thác khoảng 3 m với trữ lượng hàng chục ngàn mét khối cát. Vẫn chiêu trò cũ, nhóm "cát tặc" đã trồng keo non sau khi khai thác và vị trí múc trộm cát còn mới, chưa kịp trồng keo. Nhìn dấu bánh xe cuốc, vết của gàu múc đất còn in tại hiện trường thì ông Sơn mới thừa nhận "mỏ" cát lậu này vừa ngưng hoạt động không lâu nên dấu vết bánh xe vẫn còn...
(còn tiếp)
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)