Liệu có gì bất công và mâu thuẫn hay không khi trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của HLV Park Hang-seo, dư luận đòi hỏi phải tin dùng nhân tố mới hoặc cầu thủ trẻ cho đội tuyển, đến lượt người kế nhiệm Troussier đưa vào gần nửa đội hình những cầu thủ thuộc gen Z thì lại bị phản ứng gay gắt?
Thật ra, phản ứng của người hâm mộ không sai và càng không hề mâu thuẫn! Bởi dưới thời ông Park, khi đội tuyển đã vận hành ổn định, chinh phục được nhiều cột mốc mới thì yêu cầu đặt ra là đội phải dần được chuyển giao cho lớp kế cận. Còn dưới thời ông Troussier, vào những thời điểm nguy nan nhất, dư luận đương nhiên trông chờ HLV người Pháp ưu tiên sử dụng cầu thủ có kinh nghiệm, từng trải và bản lĩnh nhằm giúp đội tuyển đạt mục tiêu hơn là chăm chăm đặt niềm tin thái quá vào lứa "măng non" chưa kịp cứng cáp. Thành ra, ông Troussier dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể giúp các nhân tố trẻ ấy "vươn vai Phù Đổng" ngay được. Cuối cùng ông gặp thất bại như lẽ tất yếu!
Có một chuyện tưởng như bình thường nhưng lại rất bất thường, đó là trong quá trình tập trung đội tuyển, HLV Troussier vẫn phải sửa đi sửa lại hay thị phạm khá nhiều động tác, kỹ năng cơ bản cho học trò - điều mà lẽ ra các cầu thủ đã phải thuần thục từ trước! Điều này thật vô lý vì nhiệm vụ đào tạo, rèn luyện kỹ năng, tư duy chơi bóng... lẽ ra phải được các CLB/lò đào tạo chủ quản giải quyết từ gốc!
Thực tế trên cho thấy công tác đào tạo trẻ của chúng ta đang rất bất cập. Đó là nguyên nhân cốt lõi khiến bóng đá trẻ VN sa sút hơn nửa thập niên qua tại các sân chơi quốc tế như U.20 châu Á, VCK U.20 thế giới hay VCK U.23 châu Á (trong khi VN từng vào bán kết U.20 châu Á 2016, giành quyền có mặt tại VCK U.20 thế giới 2017 và vào chung kết giải U.23 châu Á 2018).
Đó là lý do sau thế hệ cầu thủ từng gây chấn động làng túc cầu châu Á ở "Thường Châu tuyết trắng" năm nào thì người hâm mộ chẳng nhớ nổi ai khác để gửi niềm tin vào tương lai bóng đá VN. Thực tế mấy năm qua, các lò đào tạo có tiếng như HAGL, SLNA, Thể Công, Hà Nội, Viettel... cũng chưa giới thiệu được gương mặt khả dĩ nào để người hâm mộ có thể quên đi lứa cầu thủ 9X Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu, Công Phượng, Tuấn Anh...
Ngay như với bóng đá học đường, bóng đá sinh viên vốn được xem là bệ phóng đến môi trường chuyên nghiệp thì thường cũng là... nói nhiều hơn làm. Vì vậy, những giải trẻ bài bản như giải bóng đá Thanh Niên sinh viên VN do Báo Thanh Niên đang tổ chức, vận hành rất đáng được trân trọng và cần được xã hội tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa nhằm kích thích phong trào.
Muốn VN có mặt tại một kỳ World Cup, chúng ta không thể trông chờ vào những hô hào viển vông, nhất là không thể chỉ tin vào "sức kéo" của một mình HLV tuyển quốc gia. Ngược lại, hãy kiên trì cải thiện các yếu tố nền tảng như tìm nguồn lực tài chính, nâng cấp cơ sở vật chất, sân bãi, hệ thống thi đấu, xuất khẩu cầu thủ, và đặc biệt là khâu đào tạo trẻ... Tất cả những trọng trách đó thuộc về các CLB, nhà tổ chức như Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), và nhất là sự định hướng, điều hành của Liên đoàn Bóng đá VN.
Bình luận (0)