Nhiều ý kiến cho rằng “Tiểu tiên cá” vẫn còn chơi tốt và đủ sức đoạt tầm 4 - 6 HCV ở SEA Games 31 trên sân nhà và sẽ là kết thúc đẹp cho tượng đài của làng bơi Việt Nam lẫn Đông Nam Á nếu cô nói lời chia tay sau kỳ đại hội này. Tuy nhiên, Ánh Viên có lý do dừng lại ở thời điểm này bởi cô cảm thấy mình đã đến ngưỡng và không còn động lực để phát triển, có thi đấu tiếp cũng chẳng thể vươn xa hơn. Thế nên dù muốn hay không, ngành TDTT cũng đành chấp nhận.
Ông Đinh Việt Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước, cho biết: “Ánh Viên là tài năng đặc biệt khi hội đủ các yếu tố để phát triển như năng khiếu bẩm sinh, tố chất hình thể, ý chí, chịu khó, gặp đúng thầy, được đầu tư đúng hướng. Tìm được một tài năng như vậy giống như mò kim đáy biển”.
Phải rất lâu nữa bơi lội Việt Nam mới có thể tìm được người thay thế Ánh Viên |
KHẢ HÒA |
Trở lại với đấu trường quốc tế trong thời gian qua, Ánh Viên vẫn là VĐV nữ duy nhất mang về HCV bơi lội cho thể thao Việt Nam ở các giải quốc tế, đặc biệt là ở đấu trường SEA Games. Những gương mặt còn lại như Lê Thị Mỹ Thảo, Vũ Thị Phương Anh, Nguyễn Diệp Phương Trâm, Đỗ Ngọc Quế Trân, Phùng Ngọc My, Hoàng Thị Trang, Võ Thị Mỹ Tiên chưa thể sánh được với Ánh Viên và cũng khó phát triển lên tầm của Ánh Viên trong tương lai.
Ánh Viên xin ngừng thi đấu, cha và ông bà sốt ruột chuyện chồng con |
Hiện 2 gương mặt được coi là sáng giá sau Ánh Viên là Mỹ Thảo và Phạm Thị Vân. Trong đó, Mỹ Thảo cùng 25 tuổi với Ánh Viên chỉ mong cải thiện thành tích chứ khó phát triển “bùng nổ”. Phạm Thị Vân (16 tuổi) được đánh giá sáng nước nhưng cũng khó toàn diện ở nhiều cự ly như Ánh Viên. Cả hai kình ngư nữ này vừa được Tổng cục TDTT phê duyệt cùng với các tuyển thủ nam Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Hoàng Quý Phước, Phạm Thành Bảo, Duy Khoa sang Hungary tập huấn trong thời gian 1 tháng rưỡi. Ngành TDTT cũng đang tích cực tìm chuyên gia cho tuyển bơi Việt Nam, hiện có ứng viên từ Trung Quốc lẫn châu Âu nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Để tìm kiếm tài năng kế thừa Ánh Viên trông chờ rất nhiều vào sự đầu tư, tìm tòi, phát hiện mới của các trung tâm bơi hàng đầu Việt Nam như TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội. Theo ông Đinh Việt Hùng, một trong những khó khăn của bơi Việt Nam là chưa xã hội hóa được như bóng đá, phụ thuộc vào đầu tư từ nhà nước. Riêng Hà Nội có Cung thể thao dưới nước quốc gia tại Mỹ Đình nhưng chưa tận dụng cho đội tuyển. “Thay vì chia thành 3 nơi khác nhau, đội tuyển bơi nên tập trung một chỗ, được tạo điều kiện tập luyện đúng chuẩn ở cung thể thao dưới nước, khi đó sẽ tập trung phát huy nguồn lực từ chất xám của HLV, chuyên gia, đồng thời các VĐV có quân xanh chất lượng để trui rèn. Theo khảo sát của tôi, khá nhiều trung tâm bơi nhà nước quản lý nhưng ưu tiên khai thác dịch vụ kiếm tiền nhiều hơn là dành cho đào tạo VĐV đỉnh cao. Nhiều nơi vin vào cơ chế nhưng không tháo gỡ được, ý tưởng nhiều nhưng quyết tâm lại không có. Thực sự bài toán khó hiện nay là cả khoảng trống mênh mông đằng sau Ánh Viên chưa biết khi nào mới có người thay thế được”, ông Hùng bày tỏ.
Tuyển bơi Việt Nam dự báo mất 4 - 6 HCV nếu không có Ánh Viên tranh tài ở SEA Games 31 tới. Ở SEA Games 2019, Ánh Viên giành 6 HCV, 2 HCB, còn SEA Games 2017 cô giành 8 HCV. Ánh Viên là 1 trong 2 VĐV đoạt nhiều HCV cá nhân nhất SEA Games 2019, được tôn vinh ở lễ bế mạc.
Bình luận (0)