Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc về nhất toàn đoàn tại SEA Games 32 với với 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ. Trong đó, những giây phút vinh quang luôn đi kèm với những khoảnh khắc gây xúc động mang đậm tinh thần thể thao, cống hiến. Vậy theo bạn, đâu là hình ảnh xúc động nhất của các VĐV Việt Nam tại kỳ đại hội khu vực diễn ra ở Campuchia?
VĐV Nguyễn Thị Oanh
Nguyễn Thị Oanh là một trong những VĐV xuất sắc nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Cô đã mang về đến 4 tấm HCV trên đường chạy điền kinh ở những cự ly trung bình và dài. Đặc biệt, "cô bé hạt tiêu" của điền kinh Việt Nam đã khiến cho nhiều khán giả phải cảm phục bởi sự bền bỉ của cô khi giành 2 tấm HCV liên tiếp ở nội dung 1.500 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật.
Nhìn về những kỳ tích: từ bước chạy thần tốc Nguyễn Thị Oanh đến tinh thần thép Bou Samnang
Đáng nói, 2 nội dung thi đấu mà Oanh tham gia và mang về 2 HCV liên tiếp chỉ cách nhau 15 phút vì sơ suất từ việc sắp xếp lịch của ban tổ chức. Tức là, nữ VĐV của Việt Nam vừa về nhất ở đường chạy 1.500 m, chỉ vừa hết thở gấp là phải tranh tài tiếp ở cự ly dài hơn và tốn sức hơn là 3.000 m vượt chướng ngại vật. Ấy vậy mà, VĐV sinh năm 1995 vẫn xuất sắc cán đích đầu tiên.
VĐV Nguyễn Huy Hoàng
Nguyễn Huy Hoàng cũng là một trong những gương mặt ưu tú của thể thao Việt Nam. Anh đã mang về 2 tấm HCV SEA Games 32 ở nội dung 400 m và 1.500 m tự do. Tuy nhiên, tương tự như Nguyễn Thị Oanh, Huy Hoàng cũng phải trải qua điều chưa từng có vì lịch thi đấu tréo ngoe từ ban tổ chức.
Nguyễn Huy Hoàng vội vã chuẩn bị cho cự ly 200 m bướm sau khi vừa giành HCV ở cự ly 400 m tự do. Các HLV giúp kình ngư quê Quảng Bình xoa bóp, phục hồi cơ bắp
HOÀNG QUỲNH
Chỉ vài phút sau khi về nhất ở 400 m bơi tự do, kình ngư quê Quảng Bình phải phải cấp tốc sang hồ hồi phục bên cạnh và vào chuẩn bị cho chung kết nội dung 200 m bướm ngay sau đó. HLV đã phải nhắc nhở anh hít thở thật đều. Nguyễn Huy Hoàng chạy đua với thời gian, các thành viên ban huấn luyện cấp tốc mát xa để anh kịp hồi phục và trở lại đường đua xanh thi đấu tiếp. Tuy nhiên, do thời gian quá sát nhau, Huy Hoàng đã không nằm trong nhóm có huy chương ở nội dung 200 m bơi bướm.
Chuyện chưa kể về những chàng trai vàng: Không lùi bước trước thử thách lớn
VĐV Nguyễn Thị Ninh
Thời tiết tại Campuchia vào những ngày đầu tháng 5 rất oi bức. Nắng nóng dường như là một "cực hình" đối với các môn thi đấu ngoài trời, đặc biệt ở nội dung marathon, khi VĐV phải chạy hơn 42 km giữa thời tiết gần 40 độ C.
Tại Siem Reap, VĐV Nguyễn Thị Ninh đã không bỏ cuộc dù cô đã kiệt sức ở những vòng cuối. Đến khi qua được vạch đích, Ninh đã ngất xỉu tại chỗ. Ngay lập tức, lực lượng y tế của ban tổ chức đã sơ cứu, bơm ô xy, chườm đá để giúp Ninh tỉnh trở lại. Ninh bị sốc nhiệt và mất nước nên không thể đứng vững khi thi đấu xong. Ban huấn luyện đã tích cực xoa bóp giúp Ninh không bị căng cơ. Được khoảng 5 phút, các bác sĩ định đưa Ninh lên xe cấp cứu để vào bệnh viện. Và rất may, không có vấn đề gì xảy ra với Nguyễn Thị Ninh.
VĐV Nguyễn Thị Tâm
Trước SEA Games 32, Nguyễn Thị Tâm là á quân Cúp boxing thế giới 2023. Chính vì vậy, cô cũng được đặt kỳ vọng lớn sẽ mang về tấm HCV cho thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao Đông Nam Á ở Campuchia. Mặc dù vậy, một chấn thương ngoài ý muốn đã khiến Tâm lỡ cơ hội lên ngôi vô địch.
Ngày 6.5, Nguyễn Thị Tâm đã thi đấu rất tốt ở hiệp 1 khi đánh bại VĐV Thái Lan với tỷ số 4-1. Sang hiệp 2, cô đang dẫn với tỷ số 3-2 thì bị chấn thương, sau khi bị đối thủ húc vào đầu gối. Có thể vì không biết Tâm bị đau nên VĐV Thái Lan còn thực hiện thêm động tác, ngồi đè lên người võ sĩ Việt Nam. Nguyễn Thị Tâm đã không thể di chuyển được và trọng tài đã xử thắng cho võ sĩ của Thái Lan. Kết quả, Tâm bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước chân trái. Đây là chấn thương khá nặng và cần có thời gian điều trị lâu.
VĐV Trần Thị Thúy Nga
Phút 36 trận chung kết SEA Games 32 giữa đội tuyển nữ Việt Nam và Myanmar vào tối 15.5, hậu vệ Trần Thị Thúy Nga ngã xuống sau tình huống va chạm với tiền đạo đối phương. Cầu thủ của CLB Thái Nguyên bị lật cổ chân, phải nhờ tới sự chăm sóc của đội ngũ y tế.
Sau ít phút chăm sóc trên sân, Thúy Nga được đưa lên xe cấp cứu để chuyển tới bệnh viện tại thủ đô Phnom Penh. Theo chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ, Thúy Nga bị tổn thương dây chằng bên trong, dây chằng chè đùi trong đầu gối phải. Với kết quả này, Thúy Nga không cần phẫu thuật mà chỉ tập phục hồi kết hợp vật lý trị liệu.
Lời khẳng định vị thế tại SEA Games 32: Thể thao Việt Nam vững vàng ngôi đầu
Thăm dò ý kiến
Khoảnh khắc nào của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 khiến bạn xúc động và ấn tượng nhất?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)