Khóc cười mùa Covid-19: Chiến trường không tiếng súng

29/09/2020 05:01 GMT+7

Bao xe một người lái, cùng học làm thợ mộc hay nghe điện thoại lúc nửa đêm, làm việc lúc gần sáng... là những việc cán bộ y tế cơ sở phải làm trong mùa Covid -19.

Trong những ngày Covid-19 lần 1 ập tới, quán bar Buddha (P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực phía nam với 18 ca dương tính và 4.483 người tiếp xúc. Với thành phần dân cư trú đến từ hơn 100 quốc gia khác nhau nên công tác điều tra dịch tễ, ghi lại lịch trình di chuyển, thuyết phục cách ly tập trung là một thách thức với cán bộ y tế cơ sở Thảo Điền.

Việt Nam ghi nhận 3 ca Covid-19 nhập cảnh từ Đài Loan và Ấn Độ

Gian nan “dụ” người đi... cách ly

Thời điểm đó, mỗi ngày y tế phường phải lấy hàng ngàn mẫu xét nghiệm, tiếp xúc hàng trăm người dân và phải thuyết phục lượng lớn người chấp nhận cách ly tập trung. Đó là chưa kể việc canh giữ, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm những người cách ly tại nhà và thêm nhiệm vụ khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi.
Anh Phi (cán bộ y tế P.Thảo Điền, Q.2) từng tiếp xúc một anh Tây ba lô đòi được đưa đi cách ly bằng xe riêng vì nếu ngồi chung xe với những người đi cách ly khác, nếu anh chưa nhiễm Covid mà họ nhiễm thì sẽ quá nguy hiểm. Ở thời điểm đó, giải thích như anh Tây là hợp lý nhưng nếu đưa mỗi người đi cách ly bằng một xe riêng thì phường lấy đâu ra nhân lực và phương tiện? Dù hết lời thuyết phục và “dọa dẫm” nhưng không có kết quả, cuối cùng anh phải nhờ tới xe riêng của phường để chở chàng Tây xuống khu cách ly tập trung ở H.Củ Chi (TP.HCM).
Trong khi các cán bộ cấp dưới loay hoay với người nước ngoài thì bác sĩ Bùi Văn Đức - trạm trưởng trạm y tế P.Thảo Điền, đau đầu với anh thợ mộc có liên quan tới bệnh nhân Covid thứ 91. Bác sĩ Đức phải kiên trì đến tận nhà, quan sát anh thợ mộc làm việc, vừa phụ làm chung vừa... thuyết phục. Hai ngày trôi qua với nhiều kiến thức về nghề mộc được nghe từ đối phương và những chia sẻ kiên nhẫn, cuối cùng bác sĩ Đức đã thuyết phục được anh thợ mộc đi cách ly tập trung.
Hơn 25 năm gắn bó với trạm y tế, hơn ai hết bác sĩ Đức hiểu được nguy cơ lan truyền dịch Covid trong cộng đồng rất lớn. Bắt đầu từ tối 29 tết, bác sĩ Đức và những đồng nghiệp của mình đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng đối phó với dịch. Ổ dịch ở quán bar Buddha được phát hiện, đơn vị liên quan và trạm y tế phải làm việc ngày đêm. “Lúc này, chúng tôi chỉ mong sao dịch nhanh chóng được kiểm soát”, bác sĩ Đức cho hay.
Khóc cười mùa Covid-19: Chiến trường không tiếng súng1

Công tác phòng, chống khử khuẩn luôn được lực lượng y tế phường chú trọng đặc biệt

Cuộc gọi thú nhận lúc nửa đêm

Anh T.B.V (34 tuổi, cán bộ y tế một phường tại TP.HCM) kể, trong hành trình hơn 200 ngày tham gia cuộc chiến chống Covid-19, anh đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại có trách nhiệm từ người dân. Có một cuộc gọi mà anh nhớ nhất là vào... 2 giờ sáng: “Bác sĩ ơi, tôi đang ở khu cách ly và vừa nhận kết quả dương tính với Covid-19. Trong lịch trình di chuyển, tôi có tới nhà một cô gái”. “Anh đừng quá lo lắng vì chỉ thăm thôi cũng chưa chắc mắc bệnh”, anh V. đáp lại. Tuy nhiên, lúc này giọng nói thổn thức hơn và gấp gáp: “Mong bác sĩ giữ kín nhưng thú thật đó là nhà bồ tôi và tôi có tiếp xúc gần lắm”.
Sau khi cung cấp rõ địa chỉ thì anh này cúp máy. Không còn buồn ngủ nữa, anh V. mở cửa, lấy xe chui qua con hẻm quanh co chạy nhanh tới trạm y tế xã. Trên đường đi, anh tranh thủ gọi trạm trưởng xin ý kiến. Gần 5 giờ sáng, anh V. cùng trạm trưởng và một nhân viên y tế khác gõ cửa. “Bạn trai của chị được xác định dương tính với Covid-19, yêu cầu chị phối hợp để điều tra dịch tễ và nhanh chóng đi cách ly”, nghe thông báo, người phụ nữ tái mặt không nói gì, nhanh chóng vào xếp đồ đi theo cán bộ y tế.
Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, làm việc tại Trung tâm y tế dự phòng (Q.6, TP.HCM), cho biết từ ngày dịch bùng phát, chị và các đồng nghiệp đã tham gia điều tra dịch tễ nhiều, nên giờ đây dường như có thêm kỹ năng thứ hai ngoài chữa bệnh, đó là “hỏi cung”. Chị kể những ngày đầu bùng dịch, mỗi khi nghe có người mắc Covid-19 là cảm giác rất đáng sợ. Bởi vậy, cầm danh sách những người liên quan tới các ca nhiễm Covid-19 và phải điều tra dịch tễ, chị luôn cảm thấy áp lực.
Khóc cười mùa Covid-19: Chiến trường không tiếng súng2

Chị Thủy tiếp xúc với một người đàn ông từ Úc sang VN cưới vợ, có liên quan tới Covid-19

ẢNH: NVCC

Chị Thủy nhớ lại trường hợp một phụ nữ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn chị phụ trách mới đi Hàn Quốc về trong những ngày cao điểm dịch. Lần theo địa chỉ, tới nhà nhưng chị không gặp được. Người thân thì gạt ngang không cho biết số liên lạc. Chị Thủy đi tìm tổ trưởng dân phố. Chị quyết tìm người mẹ để hỏi ra tung tích đứa con gái dù phải theo tới tận chỗ làm. Thế nhưng, cũng không ổn. Cuối cùng, nghĩ tới sự an toàn của địa bàn mình phụ trách và nơi người phụ nữ kia đang cư trú nếu không được điều tra thì rất có thể sẽ trở thành ổ dịch, nên chị nhờ cơ quan công an hỗ trợ. Nhờ sự phối hợp nhiều ngày, cuối cùng chị tìm được người phụ nữ vừa về từ Hàn Quốc để khai thác thông tin, phong tỏa chỗ ở và an tâm chuyển sang địa điểm mới.
Chị Thủy cho biết trong những ngày cao điểm, khi gọi điện mời người liên quan tới phường lấy lời khai y tế đôi khi không nhận được sự phối hợp ngay. Có người vừa được mời lên y tế phường thì đã la lối. Họ bảo họ không có mặt ở những nơi có người nhiễm Covid-19 lui tới. Tuy nhiên, để họ hợp tác thì chị và các đồng nghiệp của mình phải thuyết phục.
Không những vậy, nơi chị Thủy công tác phải đối diện với nhiều ca có nguy cơ lây nhiễm cao. Chị Thủy vẫn nhớ trường hợp Minh Quang - một du học sinh từ nước ngoài về trên chuyến bay EK392. Nghe tin từ chuyến bay của Quang, chị Thủy cùng chủ tịch phường nhanh chóng tới nhà tiếp xúc. Khi vừa tới nơi, chị đã thấy Quang ngồi chờ sẵn. Cuộc tiếp xúc xong xuôi. Chị Thủy về nhà thì trời đã tối mịt. Vừa mở ti vi lên, chị đã thấy thông tin chuyến bay của Quang có ca dương tính với Covid-19. Lúc này, chồng chị đi làm không có nhà. Chị vào phòng suy nghĩ rồi lấy ra cuốn sổ: “Tôi nhớ lại xem từ chiều mình đã đi những đâu, tiếp xúc những ai để nếu lỡ mình trở thành F1 thì cũng sẽ lấy đó làm cơ sở để người ta điều tra những người khác”, chị Thủy nhớ lại.
Phải mất mấy ngày sau đó, khi thông tin chuyến bay của Quang là an toàn, chị Thủy và những đồng nghiệp của mình mới thở phào nhẹ nhõm. Những ngày sau đó, giống như một thói quen, chị Thủy đã ghi chép tỉ mỉ nhật ký tiếp xúc của mình để phòng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. (còn tiếp)

Một tháng vào rừng tránh dịch... Covid-19

Hôm Trần Xuân Tài (33 tuổi) đến Quy Nhơn dự giải marathon thì có tin bùng dịch Covid-19 lần 2 ở Đà Nẵng. Đúng vào ngày kết thúc giải chạy, Tài thấy ngứa cổ, đau họng rồi ho, hai ngày không hết. Nếu khai báo có thể phải đi cách ly, ít nhất hai tuần sau mới được về nhà. Thế là Tài một mình lái xe lên Đà Lạt, chạy vào những khu rừng, khu vực ít người ở suối vàng, Tà Nung để tự cách ly.
Ba ngày sau khi uống thuốc, Tài hết đau họng nhưng lúc này gia đình không muốn Tài về nhà vì lo lắng việc tiếp xúc với những người bạn từ Đà Nẵng trong giải chạy sẽ không an toàn.
Trong những ngày này, thức ăn của Tài chủ yếu là khoai lang và bánh mì khô. “Thấy có người bán khoai, bắp, bánh mì, tôi đeo túi ni lông vào tay, bịt khẩu trang kín đến mua và mang theo dự trữ. Tối lủi đại vào ban công hoặc một cửa hàng nào đó ngủ bụi. Vào khách sạn biết đâu lại thành “tội đồ” gieo rắc Covid”, Tài cho hay.
Gần hết 14 ngày tự cách ly ở rừng, Tài tiếp tục ho, đau họng và chiều đến có triệu chứng sốt nhẹ nên thời gian “đi bụi” kéo dài gấp đôi. “Tôi hiếm khi xa nhà, đặc biệt là thời điểm này vợ mới sinh con nên nỗi nhớ cứ da diết từng ngày. Biết trước như vầy, tôi đã hủy lịch chạy”, Tài tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.