Khóc cười tiền thưởng Tết 2020: Dân freelancer cày ngày cày đêm để... tự thưởng Tết

09/01/2020 12:14 GMT+7

Tết đến, cường độ công việc, quỹ thời gian của freelancer (những người làm việc tự do) không ai giống ai, nhưng đều có chung nỗi niềm là không được thưởng Tết.

'Cày ngày cày đêm', xem như đó là thưởng Tết

Sự tự do về địa điểm làm việc, tự chủ quỹ thời gian, linh hoạt lượng công việc… là những ưu điểm không thể bàn cãi của freelancer. Tuy nhiên, thu nhập không ổn định và không có thưởng Tết là một nỗi niềm mỗi khi xuân về.
Từ Hà Tĩnh lặn lội vào TP.HCM hơn 1 năm nay, Nguyễn Đình Vũ (24 tuổi) mong muốn thử sức ở một miền đất mới. Chọn những công việc đúng chuyên ngành công nghệ thông tin của mình, nhưng Vũ vẫn gặp nhiều chật vật khi gầy dựng sự nghiệp. Một thân một mình ở môi trường hoàn toàn mới, Vũ không thể thích nghi và chuyển công ty đến 3 lần!
“Cuối cùng, mình chọn freelancer, nhận thiết kế, lập trình web. Làm việc một cách tự lập, mình cảm thấy phù hợp hơn. Tuy nhiên, bắt buộc phải tự tạo áo lực cho bản thân, phải kỷ luật từ thời gian đến lối sống, nếu không muốn… đói meo! Thời điểm Tết, nhìn bạn bè được thưởng lương tháng 13, rồi thưởng Tết mấy chục triệu, nhìn mà ham. Mình không có, nên phải tự thưởng Tết cho mình bằng cách duy nhất là “cày” đêm "cày" ngày, nhận thật nhiều khách hàng”, Vũ chia sẻ.

Không có các khoản thưởng là điểm chung của dân freelancer

NỮ VƯƠNG

Vũ cho biết, hiện anh đang quản trị web cho 2 công ty, được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Đồng thời, anh nhận thiết kế thêm khoảng 3 web/tháng, mỗi web được tầm 3 – 5 triệu đồng. Một con số không nhỏ, nhưng thực tế thì không phải tháng nào cũng vậy. Theo anh, freelancer phải dựa vào mối quan hệ, khả năng và sự tập trung. Nếu lơ là một chút, cả tháng không có đơn hàng nào là chuyện bình thường.
“Tết đến, những người làm cố định công ty chắc chắn sẽ được nghỉ Tết và nhận thưởng để chi tiêu, sắm sửa năm mới, về quê thăm gia đình. Còn mình một là làm xuyên suốt, hai là dồn việc “cày” để tăng gấp đôi thu nhập và xem đó là khoản thưởng Tết cho mình. Sau đó nhín thời gian về thăm quê, cho tiền bố mẹ”, Vũ chia sẻ.

Không ai giống ai

Bạn Bùi Ngọc Anh (28 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) lại chọn làm freelancer dịch thuật, với lợi thế về ngoại ngữ sau một thời gian dài theo bố mẹ sinh sống ở nước ngoài. Cô thường nhận các đơn hàng phiên dịch trong các phiên tòa xét xử người nước ngoài, hay công ty cần dẫn các đoàn khách nước ngoài ghé thăm.
“Ngoài ra, buổi tối, mình còn nhận dịch sách cho các nhà xuất bản nữa. Dù có thể linh hoạt nghỉ ngơi, nhưng mấy năm gần đây ba mẹ làm ăn thua lỗ, mình phải phụ gia đình trang trải nên gần như không dám nghỉ ngày nào. Mỗi tháng tổng tất cả lại, mình được khoảng 12 – 15 triệu đồng. Với những mảng mình làm, trước và sau Tết là thời gian rảnh rỗi nhất, đồng nghĩa với việc không có tiền, nói chi là thưởng Tết. Trong khi Tết lại phải chi tiêu rất nhiều”, Anh chia sẻ.
Vì vậy, mỗi tháng Anh cố gắng trích ra 1,5 – 2 triệu đồng. Số tiền này đến cuối năm xem là tiền thưởng Tết, Anh dành để lì xì cho ba mẹ, các em, cháu trong gia đình, đồng thời sắm sửa đồ đạc, cúng kiếng ngày Tết.

Với Bùi Ngọc Anh - freelancer mảng dịch thuật - Tết là thời gian cô không có nhiều công việc, nên từng tháng trong năm, cô phải trích ra một khoản và xem đó là tiền thưởng Tết

HOÀI NHÂN

Ngược lại, thời điểm Tết lại là lúc freelancer Nguyễn Hữu Trung (25 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh TP.HCM) ngập trong hàng tá công việc. Có khả năng viết lách, Trung chọn hướng đi "chăm sóc" fanpage, blog cho nhiều quán cà phê, nhãn hàng, công ty…
“Công việc đòi hỏi phải biết cách viết bài chuẩn SEO, cũng như nhạy bén với trend, để nhiều người biết đến sản phẩm đó, dịch vụ đó. Thời điểm cuối năm, nếu công ty kích cầu, chạy cho đủ KPI, thì phải đẩy mạnh truyền thông. Công việc của mình vì thế mà nhiều gấp 3 – 4 lần. Gần như mình làm việc xuyên Tết, chạy chiến dịch cho các đợt xả hàng cuối năm, hội chợ đầu năm. Bù lại, khoản thu nhập những ngày này là nhiều nhất trong năm”, Trung chia sẻ.
Cụ thể, nếu thu nhập các tháng bình thường của Trung ở vào khoảng 10 triệu đồng/tháng, thì 3 tháng trước và sau Tết, Trung có thể kiếm được 20 – 25 triệu đồng/tháng. Đó xem như là thưởng Tết của anh. Anh cũng tâm sự thêm, số tiền dư ra Tết này cùng với tiền dành dụm trước đó, sẽ dành cho ba mẹ sửa căn nhà xập xệ ở quê.
“Freelancer thì không ai làm giống ai, nhưng có một điểm chung là không thưởng Tết. Không thưởng Tết thì phải tự tìm cách thưởng cho mình, đơn giản vậy thôi”, Trung khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.