Còn 50 tấn dưa không biết bán đi đâu!
Dù đã vào vụ thu hoạch nhưng nhiều nông dân trồng dưa hấu trên địa bàn H.Đăk Tô (Kon Tum) và thương lái đang “méo mặt”, vì dưa hấu “rớt giá” do không thể xuất sang Trung Quốc.
Chỉ vài tháng trước đây, nhiều thương lái dự đoán năm nay do thời tiết lạnh kéo dài, mất mùa nên giá sẽ cao hơn mọi năm trước. Vì vậy, trước Tết Canh Tý 2020, nhiều thương lái đổ xô đến các trại dưa hấu trên địa bàn H.Đăk Tô để “đặt cọc”. Khi đến kỳ thu hoạch, chủ ruộng dưa nhiều lần liên lạc nhưng các thương lái từ chối thu mua, chấp nhận bỏ tiền cọc.
Quán cà phê của bà Liên vắng khách trong mùa dịch Covid-19
|
Ông Lương Văn Hội (người trồng dưa ở thôn 4, xã Diên Bình, H.Đăk Tô) cho biết, mùa dưa hấu gia đình ông trồng hơn gần 3 ha. Ông Hội đành cắt dưa hấu đem ra lề đường bán dần. May mắn nhiều người đi đường đến mua ủng hộ nhưng vẫn còn hơn 50 tấn dưa chưa biết bán cho ai.
Ông Hội cho biết: “Chuyện làm ăn thì phải chấp nhận thua lỗ. Có năm lời thì phải có năm lỗ chứ không thể khẳng định rằng bao giờ cũng có lời lãi cả. Năm sau, gia đình tôi vẫn tiếp tục trồng dưa vì không trồng dưa thì chẳng biết làm gì cả".
Theo tìm hiểu của phóng viên, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều quán cà phê trên địa bàn TP.Kon Tum cũng trở nên vắng khách hơn bình thường.
Bà Nguyễn Thị Liên (chủ quán cà phê tại phường Trường Chinh, TP.Kon Tum) cho biết, trước đây mỗi ngày có đến cả trăm khách ghé quán uống cà phê. Thế nhưng từ khi có dịch Covid-19 lượng khách đến quán ít hẳn.
Bà Liên cho hay: “Mỗi ngày chỉ có lèo tèo vài ba vị khách đường xa tạt vào quán uống nước thôi. Bây giờ tâm lý ai cũng sợ đến nơi công cộng, đông người. Ai chẳng sợ bị nhiễm bệnh, vì vậy việc làm ăn, buôn bán của gia đình tôi cũng gặp không ít khó khăn".
Mỗi ngày chịu lỗ hơn 50 triệu đồng
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (Hiệu trưởng trường Mầm non Tư thục Cổ tích, TP.Kon Tum, Kon Tum), việc học sinh nghỉ học do dịch Covid-19 khiến việc giảng dạy của nhà trường bị ảnh hưởng. Nguồn thu của trường không có. Dẫu vậy, trường vẫn chi trả lương đầy đủ, đảm bảo đời sống cho giáo viên.
“Vừa rồi có thông tin 17.2 học sinh đi học lại, nhà trường đã chuẩn bị lên kế hoạch dạy học lại, chuẩn bị môi trường và cơ sở vật chất cho học sinh quay lại trường học, thông báo luôn cho phụ huynh. Tuy nhiên nhận được thông báo của tỉnh, trường lại tiếp tục thông báo hoãn thời gian nhập học đến hết tháng 2” , cô Bích thông tin.
|
Theo ông Trần Văn Sự, Giám đốc công ty TNHH Việt Tân, cho biết khi có dịch Covid-19, doanh nghiệp yêu cầu 100% tài xế, phụ xe đeo khẩu trang. Đồng thời doanh nghiệp cũng tiến hành phát khẩu trang miễn phí cho khách hàng. Hiện doanh nghiệp phải chịu lỗ nặng vì lượng khách đi lại giảm hơn 60%.
Để đảm bảo uy tín, doanh nghiệp phải luôn luôn giữ tuyến. Trong khi lượng khách giảm, nhưng lượng xe tham gia vận chuyển vẫn phải giữ nguyên khiến doanh nghiệp chịu lỗ, ông Sự cho hay.
“Doanh nghiệp chúng tôi có 26 chiếc xe. Từ khi dịch bùng phát, nhiều chiếc xe phải tạm ngừng hoạt động. Chỉ có 10 chiếc xe tiếp tục giữ tuyến. Tuy nhiên số lượng khách giảm hơn 60% khiến mỗi chuyến xe lỗ 5 triệu đồng. Mỗi ngày như vậy doanh nghiệp phải chịu lỗ gần 50 triệu đồng”, ông Sự nói.
Cũng theo ông Sự, từ nhiều ngày trước, học sinh, sinh viên đã đăng ký vé xe. Sau khi nhận đủ khách, nhà xe ngưng nhận khách. Tuy nhiên tối 14.2, nhiều học sinh, sinh viên nhận được thông báo nghỉ học nên đã hủy chuyến đi khiến công ty thua lỗ nặng. Trong 400 khách đặt vé thì có hơn 280 khách hủy vé. Trong khi đó, nhà xe không thể thay đổi lịch trình dẫn đến thua lỗ.
“Về phía đơn vị chỉ lo ngại về vấn đề sức khỏe của cộng đồng, chứ mình làm doanh nghiệp tất nhiên phải có lúc này lúc kia, thua lỗ là chuyện thường tình,”, ông Sự chia sẻ.
Bình luận (0)