Năm nào cũng 'vạ phải' kiến ba khoang
Đã 2 năm ở ký túc xá, Phạm Thị Duyên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Mình đã từng bị kiến ba khoang cắn rất nhiều lần, năm nào tới mùa là mình và các bạn cùng phòng đều bị, có lúc vết thương do dịch độc để lại ngay trên cả mặt, đau và rát. Điều này ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập của mình rất nhiều. Đặc biệt là những vết thương ở mặt và cánh tay làm mình rất tự ti và lo sợ sẽ để lại sẹo sau này".
Cũng là trường hợp rất "thân quen" với kiến ba khoang, Nguyễn Trung Kiên, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ: "Mình ở ký túc xá gần 3 năm cũng bị thương do kiến ba khoang đã 2 lần. Và lần gần nhất là khoảng 2 - 3 tuần trước, sau khi mình thức dậy thì có những vết đỏ ở trên phần đùi, gây cảm giác khó chịu và rát mỗi khi tiếp xúc".
Theo Trung Kiên, cứ vào mùa mưa thì kiến ba khoang xuất hiện, hầu hết các bạn cùng phòng của Kiên đều có trải nghiệm tương tự. "Năm nào cũng gặp kiến ba khoang, mỗi lần bị thì mình sẽ mua thuốc bôi khoảng một tuần mới hết. Ai ở ký túc xá thì cũng quá quen với kiến ba khoang rồi", Kiên chia sẻ.
Người dân TP.HCM lại đau đầu với kiến ba khoang
Mặc dù tìm hiểu đầy đủ thông tin về kiến ba khoang, nhưng Đặng Thị Thùy Minh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng không tránh khỏi; nhiều bạn bị ngứa ngáy, rát bỏng khó chịu do dịch độc của côn trùng này nên đã… khóc. "Vết thương do kiến ba khoang gây ra, ban đầu bị đỏ và nổi các mụn nhỏ li ti như mụn nước, sau đó thì dần trở nặng hơn, mồ hôi trên tay tiết ra đến đâu thì vết thương sẽ lan ra đến đấy nên vết thương lở loét rất nghiêm trọng. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cá nhân và tinh thần học tập của mình", Thùy Minh cho biết.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, từng bị viêm da do kiến ba khoang, chia sẻ: "Tháng 11 năm ngoái, dù đã phòng ngừa rất cẩn thận nhưng mình vẫn bị kiến ba khoang "ghé thăm", cụ thể là ngay sau ngày ký túc xá phun thuốc là mình bị luôn", Mỹ Hạnh kể lại.
Nói về nguyên nhân, Hạnh nghĩ là do bản thân phơi quần áo ngoài trời rồi để qua đêm, kiến ba khoang vô tình đậu vào, lúc mặc không cẩn thận nên da bị dính dịch độc trên quần áo. Vì thế theo Hạnh, sinh viên ký túc xá nên hạn chế phơi đồ qua đêm để phòng ngừa kiến ba khoang.
Chủ động phòng, tránh kiến ba khoang khi mùa mưa đến
Đại diện Trung tâm quản lý KTX cho biết theo điều kiện tự nhiên vào cao điểm mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí cao cũng như khu vực xung quanh ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM với địa bàn rộng, có nhiều ao hồ, đồng ruộng, cây cỏ, lùm cây mọc hoang, đây là môi trường thuận lợi để kiến ba khoang cũng như các loại côn trùng khác như muỗi... sinh sôi, phát triển...
Nhận thức được điều này, Trung tâm quản lý ký túc xá đã phối hợp với Trung tâm y tế TP.Thủ Đức tổ chức phun thuốc diệt côn trùng tại khuôn viên và phòng ở sinh viên vào đầu tháng 5 và theo kế hoạch tiếp tục triển khai phun thuốc đợt 2 vào tháng 7 nhằm đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch bệnh theo mùa. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng, cắt cỏ khuôn viên, hàng rào để hạn chế thấp nhất môi trường trú ẩn và sinh trưởng của các loại côn trùng; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh theo mùa trong sinh viên nội trú. Đặc biệt phòng, tránh viêm da do tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang gây ra.
Trung tâm tiếp tục phối hợp, làm việc với các cơ quan y tế địa phương để có những giải pháp hiệu quả hơn trong việc phòng, tránh kiến ba khoang; tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng đến sinh viên về cách phòng, tránh. Đặc tính của kiến ba khoang là ưa ánh sáng nên có thể đặt bẫy đèn như sau: bật đèn ngoài hành lang, để thau nước trong suốt ở phía dưới ánh đèn, kiến ba khoang thấy ánh đèn phản chiếu dưới nước, bay tới và rơi vào thau nước. Khi ngủ nên mắc màn, mặc quần áo dài tay. Cần giũ quần áo, chăn màn, khăn lau mặt trước khi sử dụng. Sắp xếp phòng ở gọn gàng, ngăn nắp, vệ sinh phòng sạch sẽ; chú trọng trong việc sử dụng đồ đạc cá nhân…
Nói về ảnh hưởng của vết thương do kiến ba khoang gây ra, PGS-TS-BS Văn Thế Trung, Trưởng bộ môn da liễu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: "Nếu tình trạng bệnh nhẹ và vùng da bệnh nhỏ, tổn thương da do dịch độc của kiến ba khoang có thể tự khô, đóng mày và khỏi sau 1 tuần, không để lại sẹo nhưng có thể để lại thâm da. Nếu diện tích da bệnh lớn, tổn thương bóng nước nhiều thì có thể có biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, loét da. Nếu tổn thương vùng quanh mắt có nguy cơ viêm kết mạc nếu dụi mắt làm dịch độc dây vào mắt".
Đối với các trường hợp da bị tổn thương do kiến ba khoang, PGS-TS-BS Văn Thế Trung đưa một số lời khuyên, nếu có vùng da bị tổn thương như mô tả, người bệnh cần chú ý không chà xát, cào gãi khiến chất độc lan rộng ra các vùng da khác. Lúc mới tiếp xúc có thể xối nước sạch hoặc nước muối để rửa trôi bớt độc chất. Khi da đỏ, rát có mụn nước thì tốt nhất nên khám ở bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác vì có nhiều bệnh da có biểu hiện tương tự. Nếu chưa có điều kiện khám ngay thì có thể đến nhà thuốc gần nhất để được tư vấn sử dụng thuốc bôi. Các thuốc bôi tại chỗ làm dịu da (chứa oxit kẽm, calcium carbonate, glycerin), kem bôi có chứa corticosteroid nhẹ (hydrocortisone 1%) giúp giảm viêm, giảm đỏ và ngứa da, dung dịch xanh Methylen 1% bôi mụn nước để sát khuẩn, làm khô vết thương.
"Ngoài ra, đối với những vết thương mụn nước nhiều, vết thương rộng, chảy dịch mủ, vết thương vùng gần mắt, vùng sinh dục thì nên khám ngay để được bác sĩ xử trí đúng cách và kịp thời. Không nên đắp lá hoặc dùng những biện pháp dân gian khác để tránh gây nhiễm trùng và làm tình trạng trầm trọng thêm", PGS-TS-BS Văn Thế Trung nói.
Bình luận (0)