Nắng hạn và xâm nhập mặn đang làm hàng loạt nông dân, đoàn viên ở Đồng bằng sông Cửu Long trắng tay, cười ra nước mắt vị mặn chát.
Anh Võ Quân Đội bên ruộng mía bị chết khô - Ảnh: Thu Thảo |
Gia đình anh Võ Quân Đội (33 tuổi, đoàn viên ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng) nhiều năm qua sống chủ yếu dựa vào 6 công đất trồng mía. Tuy nhiên, nắng hạn và xâm nhập mặn làm vụ mía này mất trắng khiến cuộc sống trở nên khốn đốn.
Mất trắng
Anh Đội cho biết 6 công đất trồng mía của gia đình mỗi năm thu hoạch khoảng 65 tấn. Năm nào mía có giá anh bán được trên 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 10 triệu đồng. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2016 đến nay, gia đình anh “mất ăn mất ngủ” do phải tìm cách cứu cây mía vì bị hạn, mặn tấn công.
|
Anh Đội cho biết năm nay thời tiết chuyển biến bất thường, hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm hơn dự kiến nên nông dân ở Cù Lao Dung gặp nhiều khó khăn. Mấy chục năm trồng mía nhưng chưa năm nào thua lỗ và mất trắng như năm nay. Vụ mía kéo dài gần hết năm mà mía lại chết gần hết.
Số mía ít ỏi còn lại thương lái cũng không chịu mua vì mía không có chữ đường. “Tôi kêu bán ruộng mía 4 triệu đồng mà người ta còn không mua. Giờ chỉ biết đứng nhìn và chịu lỗ hơn 40 triệu đồng tiền đầu tư”, anh Đội chia sẻ.
Nhiều năm qua, gia đình anh Đội sống nhờ vào ruộng mía nhưng nay mất mùa làm cho cuộc sống càng thêm khó khăn. Trong căn nhà lá của gia đình anh không có thứ gì quý giá ngoài chiếc ti vi và xe máy làm phương tiện đi lại. Năm nay, gia đình anh dự định sửa nhà nhưng mất trắng vụ mía cũng đành thôi.
Sau vụ mía này, vợ chồng anh Đội dự định khăn gói lên TP.HCM tìm việc làm kiếm sống cũng như gửi tiền về phụ giúp gia đình. Nỗi vất vả đang đè nặng lên đôi vai anh Đội khi phải lo cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, còn khoản nợi vay ngân hàng mấy chục triệu đồng chưa biết khi nào anh trả được.
Vợ anh Khía bên đám ruộng đã mất trắng - Ảnh : Khoa Chiến
|
Chắc phải bỏ nhà đi Sài Gòn mần mướn
Gần 2 mẫu ruộng, không thu được hạt lúa nào là tình cảnh bế tắc nếu không nói là bi đát của anh Nguyễn Văn Khía, Bí thư chi đoàn ấp Tân Bình, xã Tân Thanh, H. Giồng Trôm, Bến Tre phải đối mặt…
Vợ chồng anh, có 2 con còn nhỏ vụ đông xuân này gieo cấy 19 công (1,9 ha) lúa nhưng bị nước mặn xâm nhập kéo dài, đã đến lúc thu hoạch mà không bói ra được hạt lúa nào. Nước trong các kênh dẫn vào nội đồng tại khu vực nơi anh sinh sống độ mặn đo được trên 50/1000 ( năm phần ngàn), hỏi cây lúa nào chịu nổi.
Ông Dương Tuyền Phương, Trưởng ấp Tân Bình, chia sẻ: “Anh Khía là một người chí thú làm ăn nhưng trời nhiều khi không chiều lòng người. Trong 19 công lúa trên, trừ 1,5 công đất nhà, có đến 17,5 công anh mướn của người khác. Nếu vụ đông xuân này không thất bát, anh có thể thu được trên 70 triệu đồng. Nhưng nay coi như mất trắng, chưa kể khoản nợ mướn đất trên 52 triệu đồng không biết lấy đâu ra để trả”.
Không chỉ lúa mất trắng do nước mặn, gia đình anh Khía còn mất trắng việc làm nấm rơm.
Mọi năm với trên 200 bịch meo làm nấm, có thể đem lại cho gia đình anh mỗi tháng trên 6 triệu đồng. Nhưng năm nay meo gặp nước mặn không phát triển được nên anh trắng tay.
Anh Khía rầu rĩ nói với chúng tôi” “Bây giờ chưa biết cách gì để khắc phục hậu quả. Nhà cũng có nuôi 2 con bò nhưng chắc cũng phải bán vì không không rơm cho bò ăn, để trả nợ liệu thấy lượng rơm ở nhà không đủ cho bò ăn nên cũng đành bán bớt một con. Giờ chỉ còn biết tranh thủ đi làm mướn cho người ta để kiếm tiền đắp đổi qua ngày”, anh Khía rầu rĩ nói.
Ông Phương thì trầm ngâm: “Ấp này năm nay có 96 ha canh tác lúa đông xuân thì tất cả đã thất trắng…”
Riêng chị Lê Thị Cẩm Văn, vợ anh Khía, nói như muốn khóc: “Chắc tới đây em phải gởi 2 đứa con cho bên nội hay bên ngoại, đi Sài Gòn mần mướn đặng kiếm tiền dành dụm trả nợ tiền mướn đất làm ruộng chớ không biết tính sao”.
Bình luận (0)