Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu cho một cuộc đấu tranh cam go để khắc phục hậu quả ô nhiễm của một vùng biển lớn.
Nói là khởi đầu bởi như Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định tại cuộc họp báo ngày hôm qua, 500 triệu USD mà Formosa bồi thường thực tế là rất nhỏ. Nó chưa thể tính hết những thiệt hại mà công ty này gây ra tại VN cả ở hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, công việc điều tra vẫn được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành và kết quả sẽ tiếp tục được công bố trong nay mai. Hôm qua, công ty này cũng đã cam kết 5 vấn đề sau khi nhận lỗi nên sắp tới, việc của chúng ta là giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết này để bảo đảm không xảy ra một thảm họa tương tự như hiện nay.
Sự việc của Formosa và nguy cơ bức tử sông Hậu của Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) đang dấy lên hồi chuông báo động về quy trình thẩm định, cấp phép đầu tư cho các dự án nước ngoài. Cả 2 dự án này đều thuộc diện phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng khâu này lại hết sức dễ dãi, thậm chí bị bỏ qua. Dự án có vốn hàng tỉ USD nhưng không ai thẩm định "lý lịch" của các nhà đầu tư trước khi "gật đầu" cho họ xây dựng nhà máy tại VN. Việc phân cấp cấp phép đầu tư cho các địa phương nhiều năm qua đã "châm ngòi" cho cuộc chạy đua thu hút vốn đầu tư vô tội vạ giữa các tỉnh, thành và hậu quả là sự trả giá của môi trường. Thảm họa môi trường do Formosa gây ra là lời cảnh tỉnh cho chúng ta để từ nay về sau, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Kiên quyết nói không với các dự án gây ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, những dự án phải hy sinh sông, biển, vốn là nơi sinh kế của hàng triệu người dân VN.
Trở lại với Formosa, kể từ khi bắt đầu hiện tượng cá chết cho tới hôm qua khi công ty này nhận lỗi chỉ thiếu vài ngày nữa là đầy 3 tháng. Nhưng có lẽ với hàng triệu người dân miền Trung nói riêng và người dân VN nói chung, chưa có cuộc chờ đợi nào lại dài đến thế. Đã có nhiều thời điểm chúng ta sốt ruột, chúng ta giận dữ bởi chưa có thủ phạm thì không biết nguyên nhân, không có giải pháp khắc phục và thiệt hại sẽ còn kéo dài. Ngư dân không còn muốn ra biển vì những ánh mắt nghi ngại với cá biển, với các loại thủy sản... vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, nếu không có bằng chứng khoa học cụ thể, chính xác thì rất khó để bắt công ty này nhận lỗi. Thậm chí, nguy cơ bị Formosa kiện ngược là hoàn toàn có thể xảy ra.
Sau 3 tháng đấu tranh không khoan nhượng, Chính phủ đã buộc Formosa phải cúi đầu nhận tội. Nhưng cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Nếu chúng ta nóng giận, manh động, thì rất dễ phá hỏng cục diện chung. Vì vậy, để bảo vệ thành công sự trong sạch của môi trường, trước hết chúng ta phải là những người tỉnh táo, chuyên nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho Chính phủ, cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các bước đi thận trọng và chắc chắn của mình.
Bình luận (0)