Khơi dậy trách nhiệm tiên phong trong thanh niên

12/10/2016 10:20 GMT+7

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Hội LHTN VN, phóng viên Thanh Niên có cuộc phỏng vấn anh Nguyễn Phi Long, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN về vai trò của Hội với thanh niên và những hoạt động hỗ trợ giúp thanh niên lập thân lập nghiệp...

Anh Long chia sẻ: Hiện nay đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Quá trình đó đã, đang đưa lại cho đất nước ta nói chung và cho thanh niên nói riêng những thời cơ xen lẫn những thách thức lớn.

Anh Nguyễn Phi Long, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN.
Nhìn lại chặng đường 60 năm ngày truyền thống Hội LHTN VN, chúng ta thấy rõ hơn những thành tựu đạt được, cùng với những thuận lợi, khó khăn, để từ đó phát huy các kết quả đã đạt được, tiếp tục chủ động và tích cực để đạt được những thành tựu mới. Khơi dậy trong thế hệ thanh niên hôm nay trách nhiệm tiên phong, xung kích đóng góp dựng xây đất nước.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào thanh niên, đòi hỏi mỗi thanh niên phải vươn lên cùng dân tộc để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đặt ra.
Trước những thuận lợi và khó khăn của đất nước cũng như của bản thân mình, hơn lúc nào hết thanh niên phải nhận thấy rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước. Phải nhận thức được khó khăn lớn nhất của mình trong giai đoạn này là sự cạnh tranh quyết liệt về trí tuệ để đạt tới những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật và công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế. Để vượt qua được khó khăn đó, đòi hỏi rất cao ở thanh niên là phải tự học tập, tự rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt.
- Thưa anh, dấu ấn nào nổi bật trong cộng đồng xã hội qua công tác Hội và phong trào thanh niên?
Tôi cho rằng mô hình xây dựng nhà bán trú, trường học cho trẻ em miền núi; Tặng nhà nhân ái cho thanh niên nghèo; Hành trình tỏa sáng vì khát vọng Việt; Chương trình 1.000 doanh nhân trẻ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế... là những mô hình hay và giúp đỡ lớn cho xã hội.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội để lại nhiều dấu ấn với các chương trình: Tình nguyện mùa đông, Xuân tình nguyện, Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng... Gần đây nhất là chương trình Chia sẻ cùng thầy cô ở biên giới, hải đảo cũng là hoạt động thu hút sự đồng cảm rất lớn từ cộng đồng. Hay như các chương trình đặc biệt ý nghĩa: Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi, Khát vọng trẻ cổ vũ lòng yêu nước trong thanh niên.
Đặc biệt, phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với mong muốn gửi gắm đến thanh niên VN một thông điệp: Trong trái tim mỗi người VN, Tổ quốc là linh thiêng. Đó là nơi mỗi người được sinh ra và lớn lên trong cội nguồn văn hóa của dân tộc, đó là nơi bao thế hệ cha ông VN không tiếc máu xương để gìn giữ, bảo vệ giang sơn bờ cõi, các thế hệ thanh niên VN ghi nhớ tri ân và tự nhắc nhở mình về trách nhiệm với Tổ quốc…
- Ngày trước một thủ lĩnh thanh niên chỉ cần biết chơi đàn guitar và hát sẽ tập hợp được rất đông thanh niên. Còn bây giờ phương thức tập hợp chắc chắn khó hơn nhiều, anh nghĩ sao?
Đúng. Bây giờ phải quan tâm chăm lo cho lợi ích chính đáng của thanh niên thì mới tập hợp được thanh niên. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, phương thức hoạt động của Hội liên tục được đổi mới đáp ứng theo nhu cầu của thanh niên. Việc tập hợp thanh niên thông qua thành lập mới các hội thành viên tập thể theo ngành nghề, sở thích, như: Hội Thầy thuốc trẻ VN, Hội Doanh nhân trẻ VN, CLB Văn nghệ sĩ trẻ, CLB Thanh niên khuyết tật…
Bên cạnh đó, Hội còn tập hợp các cá nhân tiêu biểu, mời gọi văn nghệ sĩ nổi tiếng có uy tín, doanh nhân thành đạt, các tín đồ chức sắc tôn giáo… tham gia công tác Hội và phong trào thanh niên. Những cá nhân tiêu biểu này có uy tín và tầm ảnh hưởng, thu hút thanh niên đến với công tác Hội.
Nhưng thực tế cũng không thể phủ nhận, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức do số lượng lớn với 25 triệu người. Đặc biệt, sự tiến bộ của công nghệ thông tin, mạng xã hội giúp thanh niên tiếp cận nhiều tri thức mới, thay đổi về nhận thức, dễ chịu tác động từ bên ngoài cũng là thách thức công tác Hội hiện nay. Chính vì vậy, khi tổ chức triển khai các chương trình phải gắn chặt với nhu cầu, lợi ích của thanh niên. Chỉ khi nào nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên gắn với trách nhiệm của công tác Hội thì khi đó Hội mới chăm lo cho lợi ích chính đáng của thanh niên.
- Anh vừa nhắc đến sự phát triển mạng xã hội, vậy thông qua công cụ này, Hội thu được kết quả gì trong việc tương tác với thanh niên?
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác Hội ngày nay phải lấy sự phát triển của khoa học công nghệ, thông qua môi trường internet để tương tác thường xuyên và lắng nghe nhiều tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là hiến kế của thanh niên.
Đó là cách mà những người làm công tác Hội có thể dễ dàng tiếp cận thanh niên, nắm bắt được những xu hướng mới của thanh niên, tạo sự gắn kết và gần nhau hơn.
Tôi lấy ví dụ, gần đây nhất khi T.Ư Hội tổ chức Lễ chào cờ ở cực bắc Lũng Cú, khi chúng tôi cùng nhiều văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên chia sẻ trên các trang fanpage của Hội, Facebook cá nhân thì nhận được những đồng cảm rất lớn từ cộng đồng mạng xã hội. Phần lớn là bày tỏ tình cảm, niềm tự hào khi được chào cờ, hát quốc ca ở nơi địa đầu Tổ quốc. Từ câu chuyện này, tôi thấy rằng nếu hoạt động của Hội đi vào những nội dung cụ thể, thực chất thì rất dễ tạo sự đồng cảm trong xã hội và thông qua mạng xã hội để lan tỏa giá trị của các hoạt động Hội đến sâu rộng trong cộng đồng, truyền cảm hứng cho thanh niên.
- Hiện nay thanh niên có nhu cầu về khởi nghiệp rất lớn, vậy thưa anh cái “cần câu” mà Hội hỗ trợ cho họ là gì?
Hội tập trung tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua mạng lưới chuyên gia, doanh nhân thành đạt, các nhà khoa học trang bị kỹ năng khởi nghiệp, quản trị doanh nghiệp. Kết nối thanh niên với các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
Theo tôi, quan trọng nhất hiện nay là truyền thông về khởi nghiệp. Trong nhiều năm qua, cản trở lớn nhất trong khởi nghiệp là tư duy về việc làm của thanh niên bị áp đặt nhiều từ phía cha mẹ, gia đình ngại khó ngại khổ khi khởi nghiệp, không sẵn sàng chấp nhận thất bại. Trong khi khởi nghiệp đối diện với nhiều rủi ro. Chúng tôi nhận thức để có phong trào khởi nghiệp trong thanh niên thì trước hết phải thay đổi tư duy nhận thức về việc làm của thanh niên hiện nay. Sau nhiều năm triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên về vấn đề việc làm, trong thời gian tới Hội sẽ thành lập trung tâm chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đây là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Ban Bí thư T.Ư Đoàn, T.Ư Hội trong chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.