Cuộc thi Smart City 2024 nhằm khuyến khích các cá nhân và tổ chức đóng góp những giải pháp công nghệ sáng tạo, có khả năng ứng dụng thực tiễn trong việc xây dựng thành phố thông minh, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho TP.HCM và toàn quốc.
TP.HCM đang nỗ lực xây dựng các mô hình hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động kinh tế - xã hội mà còn là một cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất, trong đó con người và trí tuệ nhân tạo (AI) cùng nhau tạo ra giá trị. Bên cạnh đó, các thách thức như gia tăng dân số và ô nhiễm môi trường đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, hướng tới sự phát triển bền vững.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cùng với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, đã góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo nhận định của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, việc thực hiện chuyển đổi kép trong xây dựng thành phố thông minh là một trong những ưu tiên hàng đầu, lấy chuyển đổi xanh là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực và chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá.
Smart City 2024 - Sáng kiến xây dựng thành phố thông minh được kỳ vọng sẽ thu hút 200 đội thi từ cộng đồng startup công nghệ và cộng đồng các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các trường phổ thông tại TP.HCM và các tỉnh thành như: Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Khánh Hòa…
Cuộc thi sẽ không chỉ tập trung vào việc phát triển ý tưởng mà còn cung cấp các chương trình huấn luyện và tư vấn chuyên sâu, giúp các đội thi nâng cao kỹ năng xây dựng và phát triển dự án. Các chương trình huấn luyện sẽ được thiết kế phù hợp và diễn ra liên tục trong 4 tuần, tạo điều kiện cho các dự án hoàn thiện và có cơ hội nhận giải thưởng giá trị từ các nhà tài trợ. Đặc biệt, các dự án ở vòng sơ loại sẽ được hỗ trợ tham gia giai đoạn "tiền ươm tạo", một điểm mới trong chương trình ươm tạo tại SHTP-IC nhằm tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Điểm nổi bật của cuộc thi năm nay là sự mở rộng về lĩnh vực và đối tượng dự thi. Các dự án tham gia cuộc thi được chia thành các bảng:
- Bảng A: Dành cho các dự án ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng đô thị thông minh với cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất (50 triệu đồng), 1 giải nhì (30 triệu đồng), 1 giải ba (20 triệu đồng) và 2 giải khuyến khích (10 triệu đồng).
- Bảng B: Dành cho các dự án ứng dụng công nghệ sinh học gắn liền với chuyển đổi xanh, chuyển đổi kép với cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất (30 triệu đồng), 1 giải nhì (20 triệu đồng) và 1 giải ba (10 triệu đồng).
Ngoài ra còn có Bảng học sinh với các ý tưởng/giải pháp của học sinh có tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực thành phố thông minh.
Bình luận (0)