Khởi động dự án xử lý dioxin chi phí 390 triệu USD ở sân bay Biên Hòa

20/04/2019 14:09 GMT+7

Dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) chính thức khởi động. Thời gian xử lý dự kiến là 10 năm với chi phí khoảng 390 triệu USD.

Sáng 20.4, Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam (Bộ Quốc phòng) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất tại Việt Nam.
Tham dự lễ khởi động có Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Đồng Nai.
Phía Mỹ có các thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Debbie Stabenow, Sheldon Whitehouse, Tom Udall, Tammy Baldwin, Mazie Hirono, Tim Kaine, Rob Portman, Lisa Murkowski cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink và Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene.
Các đại biểu cắt băng khởi động dự án Ảnh: Lê Lâm
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình rất vui mừng khi chứng kiến sự kiện Lễ Khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, phối hợp với cơ quan chức năng của Mỹ thực hiện khối lượng rất lớn công việc và làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức Lễ Khởi động Dự án, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đánh giá cao phía Mỹ đã tích cực hỗ trợ xây dựng Dự án, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của cá nhân Ngài Patrick Leahy và các Thượng Nghị sỹ cho Dự án trong thời gian qua.
Theo Bộ Quốc phòng, dự án này sẽ xử lý ô nhiễm ở những khu vực có nguy cơ cao tại sân bay Biên Hòa trong khoảng thời gian dự kiến là 10 năm với các phương pháp xử lý và cô lập như được sử dụng tại Sân bay Đà Nẵng. Chi phí dự kiến khoảng 390 triệu USD, từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Mỹ (183 triệu USD) và vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường.
Trước đó, vào năm 2016, USAID đã hợp tác với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa, nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Theo kết quả đánh giá, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000 m³, gấp khoảng bốn lần so với khối lượng đã xử lý tại Sân bay Đà Nẵng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.