Khởi động nhà hát trực tuyến

12/08/2020 06:17 GMT+7

Chương trình biểu diễn của các nhà hát thuộc Bộ VH-TT-DL sẽ được đưa lên mạng, do công chúng không thể đến rạp vì dịch Covid-19 .

“Chuyển sân khấu” đối phó với dịch bệnh

Sau một loạt vở diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội hậu Covid-19, sân khấu lại trở nên ảm đạm khi dịch Covid-19 trở lại.
Tháng kịch Lưu Quang Vũ thường niên của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ không thể diễn ra liên tục như các tháng 8 hằng năm. Nhà hát Tuồng cũng bị hủy show hàng loạt. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ khó lòng có được tour diễn tại Festival Huế cuối tháng 8 vì chính festival này cũng đã bị hoãn tới năm 2021. Các cuộc thi tài năng diễn viên tuồng, dân ca toàn quốc đã bị đình lại…
NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Nếu tổ chức biểu diễn sẽ vi phạm quy định về số lượng người trong sự kiện. Vì thế, chúng tôi khởi động kế hoạch đưa chương trình nghệ thuật lên mạng để kết nối công chúng. Tạm thời sẽ có gói kích cầu của nhà nước hỗ trợ và chúng tôi đã trình dự án”.
Theo ông Vinh, dự án sẽ hỗ trợ nhà hát tiền chi phí bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn và địa điểm. “Các chương trình và các tiết mục đã có nhưng diễn không được thì nhà nước hỗ trợ các đơn vị đưa lên mạng, vì diễn trên mạng đâu có thu được tiền”, ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng cho biết, dự án hoạt động trên tinh thần khai thác các chương trình nhà nước đặt hàng đã có, chương trình cũ mà chưa có điều kiện biểu diễn do dịch. Do đó, các chương trình đỉnh cao cũng sẽ được mang ra khai thác. “Khi đưa lên mạng, có thể xem từng phần hay các tiểu phẩm. Chẳng hạn như xiếc vốn có nhiều tiết mục thì tách ra cũng tốt quá. Hay Nhà hát Tuổi trẻ đưa các tiểu phẩm Đời cười từ rất xưa lên vẫn được. Mình phải phối hợp để điều chỉnh cho phù hợp”, ông Vinh phân tích.

Thời buổi 4.0 không lẽ gì giáo dục trực tuyến, ngành y trực tuyến mà nghệ thuật lại không trực tuyến

NSƯT Hoàng Xuân Bình (Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)

Các chương trình này sẽ được đưa lên một kênh online chung cho tất cả các nhà hát. Trên đó, các chương trình biểu diễn có thể được livestream hoặc chia nhỏ để phát lại. “Chúng tôi không ưu tiên riêng cho nhà hát nào. Các nhà hát đều có cơ hội biểu diễn trên nhà hát online này. Cục cũng mong các nhà hát hình thành thói quen chủ động giới thiệu sản phẩm của mình trên mạng”, ông Vinh nói.
Khởi động nhà hát trực tuyến1

Kênh YouTube của Nhà hát Tuổi trẻ

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Cân nhắc từng nhà hát, từng chương trình đặc thù

NSƯT Hoàng Xuân Bình, Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho biết: “Chủ trương nhà hát trên mạng này xuất phát từ thực tế là các nhà hát tạm dừng biểu diễn. Dừng biểu diễn nhưng nghệ sĩ vẫn đau đáu với nghề, lo nghề mai một. Về xã hội, thời buổi 4.0 công nghệ thông tin, công nghệ trực tuyến thì không lẽ gì giáo dục trực tuyến, ngành y trực tuyến mà nghệ thuật lại không trực tuyến”.
Cũng theo ông Bình: “Nghệ thuật là tương tác nghệ sĩ với biên đạo, nhạc sĩ, ca sĩ và cần khán giả. Bây giờ khán giả không đến nhà hát trực tiếp được thì họ có thể xem trực tuyến. Tôi cho rằng đây là điểm phù hợp với thực tế, như nhà hát truyền hình trước đây - diễn ở Nhà hát Lớn cho khoảng 600 người xem và truyền trực tiếp trên VTV”.
Mặc dù vậy, để có hình ảnh, âm thanh tốt đẩy lên mạng không hề đơn giản. Hiện tại, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ đều đã có kênh YouTube. Tuy nhiên, trên các kênh này chỉ có những đoạn giới thiệu vở diễn rất ngắn, dài lắm là khoảng 3 phút. Các cỡ cảnh của cảnh quay trong clip của Nhà hát Kịch Việt Nam khá đơn điệu với góc máy không đổi và đa số là cảnh toàn. Trong khi đó, trailer của Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều cỡ cảnh hơn. Vì thế, chưa rõ việc đưa các vở diễn lên mạng sẽ được thực hiện cụ thể ra sao nếu như chất lượng âm thanh hình ảnh không tốt.
Vì vậy, khi thực hiện, có lẽ Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ phải cân nhắc cụ thể từng trường hợp. “Quay lại phát trên mạng thì phải cân nhắc nhiều yếu tố. Chẳng hạn, để quay các tiết mục múa, hay cả vở ballet cần tay nghề rất cao và có thể tốn kém. Chưa kể có những vở kịch hay nếu đưa lên mạng rồi thì sẽ không thể bán vé, mà đưa lên chưa chắc đã có nhiều người xem. Giờ các kênh biểu diễn online của nghệ sĩ rất đa dạng, đầu tư công phu và rất giàu tính nghệ thuật, nếu các tác phẩm của nhà hát thuộc Bộ phát trên mạng làm không tốt sẽ rơi vào tình trạng đưa ra không có ai xem cả”, một lãnh đạo nhà hát thuộc Bộ cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.